Các phương pháp tính giá xuất kho hiện nay áp dụng
Các phương pháp tính giá xuất kho hiện nay áp dụng đều phải tuân thủ theo chuẩn mực kế toán Việt Nam CM 02 Hàng tồn kho, do vậy để tính giá xuất kho của nguyên vật liêu, công cụ dụng cụ, thành phẩm, hàng hóa bạn cần nắm rõ được từng phương pháp và vận dụng vào tình hình thực tế của doanh nghiệp để lựa chọn được phương pháp phù hợp, đồng thời cần nắm rõ các bước tính giá xuất kho
Các bước tính giá xuất kho nguyên vật liêu, công cụ dụng cụ, hàng hóa, thành phẩm
- Bước 1: Xác định số lượng NVL, HH, CCDC xuất theo từng loại, mục đích sử dụng;
- Bước 2: Xác định giá đơn vị từng loại NVL, HH, CCDC xuất;
- Bước 3: Xác định tổng giá trị NVL, HH, CCDC xuất.
Các phương pháp tính giá xuất kho hiện nay áp dụng
Theo luật hiện hành có 3 phương pháp tính giá xuất kho sau:
Phương pháp tính giá thực tế đích danh.
Phương pháp nhập trước xuất trước (FIFO)
Phương pháp bình quân gia quyền.
Ví dụ minh họa phân loại các phương pháp tính giá xuất kho
Ta sẽ lấy ví dụ chung để thực hiện qua 3 phương pháp tính giá xuất kho như sau:
Tình hình tồn kho, nhập xuất hàng A trong tháng 9/N tại một DN như sau:
*Tồn đầu kỳ: 1.000 kg, đơn giá: 10.000 đ/kg.
* Tăng, giảm trong kỳ:
- Ngày 5: nhập 3.000 kg, đơn giá 11.000 đ/kg
- Ngày 6: nhập 1.000 kg, đơn giá 10.800 đ/kg
- Ngày 10: xuất 3.500 kg
- Ngày 12: xuất 500 kg
- Ngày 25: nhập 3.000 kg, đơn giá 10.500 đ/kg
- Ngày 26: xuất 2.000 kg
*Tồn cuối kỳ: 2.000 kg
Được biết giá mua hàng A trong kỳ là giá chưa có thuế GTGT và doanh nghiệp tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ.
Tính giá xuất
Nội dung từng phương pháp tính giá xuất kho
1. Phương pháp tính giá thực tế đích danh
Phương pháp tính giá xuất kho theo phương pháp tính giá thực tế đích danh được áp dụng dựa trên giá trị thực tế của từng thứ hàng hoá mua vào, từng thứ sản phẩm sản xuất ra nên chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp có ít mặt hàng hoặc mặt hàng ổn định và nhận diện được.
Cách tính: Vật liệu xuất ra thuộc lần nhập kho nào thì lấy giá nhập kho của lần nhập đó để làm giá xuất kho.
Ưu điểm:Tuân thủ nguyên tắc phù hợp của kế toán,chi phí phù hợp với doanh thu thực tế
Ví dụ 2: Dựa vào Ví dụ minh họa phía trên, Tính giá xuất
- Ngày 10, biết Ngày 10: xuất 3.500 kg, trong đó 1.000 kg đầu kỳ, 1.500 nhập ngày 5 và 1.000 nhập ngày 6
- Ngày 12: xuất 500kg của số nhập ngày 5:
- Ngày 26 xuất 2.000 kg, trong đó 1.000 kg nhập ngày 5, còn 1.000 kg nhập ngày 25
Kết quả vận dụng phương pháp tính giá thực tế đích danh như sau
Giá xuất kho ngày 10 = 1.000 x 10.000 + 1.500 x 11.000 + 1.000 x 10.800 = 37.300.000
Giá xuất kho ngày 12: 500.000 x 11.000 = 5.500.000
Giá xuất ngày 26: 1.000 x 11.000+ 1.000 x 10.5000 = 21.500.000
Giá thực tế tồn cuối kỳ: 2.000 x 10.500 = 21.000.000
2. Phương pháp nhập trước xuất trước (FIFO)
Phương pháp nhập trước, xuất trước áp dụng dựa trên giả định là giá trị hàng tồn kho được mua hoặc được sản xuất trước thì được xuất trước, và giá trị hàng tồn kho còn lại cuối kỳ là giá trị hàng tồn kho được mua hoặc sản xuất gần thời điểm cuối kỳ.
Ưu điểm:Tính toán được giá trị của hàng xuất kho của từng lần xuất hàng nên cung cấp được số liệu kịp thời cho kế toán ghi sổ
Nhược điểm: Doanh thu hiện tại không phù hợp với CP hiện tại
Ví dụ 3: Dựa vào đề bài ví dụ minh họa phân loại các phương pháp tính giá xuất kho để tính giá xuất kho theo phương pháp nhập trước xuất trước
- Giá thực tế hàng xuất ngày 10:
1.000 x 10.000 + 2.500 x 11.000 = 37.500.000 đ
- Giá thực tế hàng xuất ngày 12:
500 x 11.000 = 5.500.000 (đ)
- Giá thực tế hàng xuất ngày 26:
1.000 x 10.800 + 1.000 x 10.500 = 21.300.000 đ
- Giá thực tế hàng tồn cuối kỳ:
2.000 x 10.500 = 21.000.000 đ
3. Phương pháp bình quân gia quyền
Theo phương pháp này, giá trị của từng loại hàng tồn kho được tính theo giá trị trung bình của từng loại hàng tồn kho đầu kỳ và giá trị từng loại hàng tồn kho được mua hoặc sản xuất trong kỳ. Giá trị trung bình có thể được tính theo từng kỳ hoặc sau từng lô hàng nhập về, phụ thuộc vào điều kiện cụ thể của mỗi doanh nghiệp.
Giá trị xuất kho = số lương xuất x Đơn giá bình quân
Phương pháp này bao gồm:
3.1. Bình quân cả kỳ dự trữ
3.2. Bình quân sau mỗi lần nhập
Chi tiết về từng phương pháp tính giá xuất kho theo PP bình quân gia quyền
3.1. Bình quân cả kỳ dự trữ
Áp dụng trong doanh nghiệp ít danh điểm nguyên vật liệu nhưng số lần nhập, xuất nhiều. Chỉ xác định sau khi kết thúc kỳ hạch toán (tháng, quý) nên ảnh hưởng đến công tác quyết toán. Phương pháp này đơn giản nhưng độ chính xác không cao do không phản ánh được tình hình biến động giá cả nguyên vật liệu trong kỳ.
Ưu điểm: Dễ làm, dễ tính toán, chỉ tính 1 lần vào cuối kỳ
Nhược điểm: Độ chính xác không cao, công việc bị dồn vào cuối tháng
Ví dụ 4: Dựa vào Ví dụ phân loại các phương pháp tính giá xuất kho phía trên ta tính giá xuất kho theo phương pháp bình quân cả kỳ dự trữ
Giá xuất bình quân =(1.000x10.000+3.000 x 11.000 +1.000 x 10.800 + 3000 x 10.500) / (1.000 + 3.000 + 1.000 + 3.000) = 10.662,5
Giá xuất ngày 10 = 3.500 x 10.662,5= 37.318.750
Giá xuất ngày 12 = 500 x 10.662,5 = 5.331.250
Giá xuất ngày 26 = 2.000 x 10.662,5 = 21.325.000
Tổng giá xuất : 62.975.000
Giá tồn cuối kỳ = 2.000 x 10.665,2 = 21.325.000
3.2. Bình quân sau mỗi lần nhập
Giá đơn vị bình quân sau mỗi lần nhập: cung cấp số liệu kịp thời, phản ánh được sự biến động của giá cả nhưng khối lượng tính toán nhiều. Chỉ áp dụng ở doanh nghiệp ít danh điểm NVL và số lần nhập ít.
Ưu điểm: Độ chính xác cao
Nhược điểm:Việc tính toán phức tập, tốn nhiều công sức nên chỉ áp dụng được với DN có ít mặt hàng
Ví dụ 5: Dựa vào Ví dụ phân loại các phương pháp tính giá xuất kho ta tính giá xuất kho theo phương pháp bình quân sau mỗi lần nhập ta có
Giá bình quân ngày 5 = (1.000 x10.000 +3.000 x 11.000) / (1.000+ 3.000) = 10.750
Giá bình quân ngày 6 = (4.000 x 10.750 + 1.000 x 10.800)/(4.000+1.000)=10.760
Giá xuất kho Ngày 10: 3.500 x 10.760 = 37.660.000
Giá xuất kho Ngày 12: 500 x 10.760 = 5.380.000
Giá bình quân ngày 25 = (1.000 x 10.760 + 3.000 x 10.500) / (1.000 + 3.000) = 10.565
Giá xuất kho ngày 26 = 2.000 x 10.565 = 21.131.000
Tổng giá trị xuất trong kỳ = 64.170.000
Giá tồn cuối kỳ = 2.000 x 10.565 = 21.131.000
Ngoài các phương pháp tính giá xuất kho trên thì trong trường các bạn sinh viên đang học kế toán tài chính còn được học thêm về phương pháp giá hạch toán, tuy nhiên trên thực tế thì rất ít khi áp dụng phương pháp này
Phương pháp giá hạch toán: Đối với các doanh nghiệp có nhiều loại vật liệu, giá cả thường xuyên biến động, nghiệp vụ nhập xuất nguyên vật liệu diễn ra một cách thường xuyên thì doanh nghiệp có thể áp dụng phương pháp giá hạch toán. Đây là loại giá ổn định có thể sử dụng trong thời gian dài. Cuối tháng doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh lại theo giá thực tế thông qua hệ số giá.
Hệ số giá =Giá thực tế hàng tồn đầu kỳ và nhập trong kỳ / Giá hạch toán hàng tồn đầu kỳ và nhập trong kỳ
Giá thực tế NVL xuất kho = Hệ số giá NVL ´ Giá hạch toán nguyên vật liệu xuất kho
Trên là các phương pháp tính giá xuất kho mới nhất được áp dụng hiện nay để các bạn có thể vận dụng để làm công việc kế toán kho tại các doanh nghiệp hoặc để sinh viên có thể vận dụng làm các dạng bài tập kế toán nguyên vật liệu công cụ dụng cụ hoặc làm các chuyên đề tốt nghiệp như báo cáo thực tập kế toán nguyên vật liệu và công cụ dụng cụ hoặc các công việc khác, Chúc các bạn thành công !