Các phương pháp tính thuế GTGT áp dụng hiện nay


Các phương pháp tính thuế GTGT áp dụng hiện nay đó là phương pháp khấu trừ thuế GTGT và phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng, Nên lựa chọn phương pháp tính thuế GTGT nào phù hợp ?

Thuế giá trị gia tăng cơ sở kinh doanh phải nộp được tính theo một trong hai phương pháp đó là phương pháp khấu trừ thuế và phương pháp tính trực tiếp trên GTGT. Trường hợp cơ sở kinh doanh có hoạt động mua, bán, chế tác vàng, bạc, đá quý thì cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng hoạt động này để nộp thuế theo phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng.

Các phương pháp tính thuế GTGT mới nhất hiện nay

Đối tượng áp dụng và việc xác định thuế phải nộp theo từng phương pháp như sau

1. Phương pháp khấu trừ thuế

a. Đối tương áp dụng phương pháp khấu trừ

- Cơ sở kinh doanh thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ, gồm: Cơ sở kinh doanh đang hoạt động có doanh thu hàng năm từ 1 tỷ đồng trở lên, trừ hộ cá nhân kinh doanh.

- Cơ sở kinh doanh đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế gồm:

+ Doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động có doanh thu hàng năm từ bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế GTGT dưới một tỷ đồng đã thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, sổ sách, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ.

+ Doanh nghiệp mới thành lập từ dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh đang hoạt động nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ.

+ Doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập có thực hiện đầu tư, mua sắm tài sản cố định, máy móc, thiết bị có giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên ghi trên hóa đơn mua tài sản cố định, máy móc, thiết bị, kể cả hóa đơn mua tài sản cố định, máy móc, thiết bị trước khi thành lập (không bao gồm ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống của cơ sở kinh doanh không hoạt động vận tải, du lịch, khách sạn); tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam theo hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ.

+ Tổ chức kinh tế khác hạch toán được thuế GTGT đầu vào, đầu ra không bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã.

b. Công thức tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ

phương pháp tính thuế GTGT theo khấu trừ

Trong đó:

- Thuế GTGT đầu ra: 

phương pháp tính thuế GTGT theo khấu trừ

Số thuế giá trị gia tăng đầu ra bằng tổng số thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ bán ra ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng.

+ Thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ bán ra ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng bằng giá tính thuế của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế bán ra nhân với thuế suất thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ đó.

Trường hợp sử dụng chứng từ ghi giá thanh toán là giá đã có thuế GTGT thì thuế GTGT đầu ra được xác định bằng giá thanh toán trừ (-) giá tính thuế.

+ Cơ sở kinh doanh thuộc đối tượng tính thuế theo phương pháp khấu trừ thuế khi bán hàng hóa, dịch vụ chịu thuế phải tính và thu thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ bán ra. Khi lập hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ, cơ sở kinh doanh phải ghi rõ giá bán chưa có thuế, thuế GTGT và tổng số tiền người mua phải thanh toán. Trường hợp hóa đơn chỉ ghi giá thanh toán (trừ trường hợp được phép dùng chứng từ đặc thù), không ghi giá chưa có thuế và thuế GTGT thì thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ bán ra phải tính trên giá thanh toán ghi trên hóa đơn, chứng từ.

+ Cơ sở kinh doanh phải chấp hành chế độ kế toán, sổ sách, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ. Trường hợp hóa đơn ghi sai mức thuế suất thuế giá trị gia tăng mà cơ sở kinh doanh chưa tự điều chỉnh, cơ quan thuế kiểm tra, phát hiện thì xử lý như sau: Đối với cơ sở kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ: Nếu thuế suất thuế GTGT ghi trên hóa đơn cao hơn thuế suất đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT thì phải kê khai, nộp thuế GTGT theo thuế suất đã ghi trên hóa đơn; Nếu thuế suất thuế GTGT ghi trên hóa đơn thấp hơn thuế suất đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT thì phải kê khai, nộp thuế GTGT theo thuế suất thuế GTGT quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT.

- Thuế GTGT đầu vào:

Thuế GTGT đầu vào bằng (=) tổng số thuế GTGT ghi trên hóa đơn GTGT mua hàng hóa, dịch vụ (bao gồm cả tài sản cố định) dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT, số thuế GTGT ghi trên chứng từ nộp thuế của hàng hóa nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế GTGT thay cho phía nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Tài chính áp dụng đối với các tổ chức nước ngoài không có tư cách pháp nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài kinh doanh hoặc có thu nhập phát sinh tại  Việt Nam.

Trường hợp hàng hóa, dịch vụ mua vào là loại được dùng chứng từ đặc thù ghi giá thanh toán là giá đã có thuế GTGT thì cơ sở được căn cứ vào giá đã có thuế để xác định giá không có thuế và thuế GTGT đầu vào được khấu trừ.

*  Điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào:

+ Có hóa đơn giá trị gia tăng hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng khâu nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế GTGT thay cho phía nước: Tức là cần kiểm tra xem hóa đơn có hợp pháp, hợp lý, hợp lệ không, có đủ điều kiện về quy định về hóa đơn chứng từ không ? có phải hóa đơn của doanh nghiệp bỏ trốn hoặc công ty ma không ?

Xem thêm: Cách kiểm tra hóa đơn hợp lệ

+ Có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào (bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu), trừ trường hợp tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào từng lần theo hóa đơn dưới hai mươi triệu đồng theo giá đã có thuế GTGT.

Ví dụ : Tháng 09/N, công ty tập hợp được thuế GTGT đầu vào trên các hóa đơn, chứng từ mua nguyên liệu, hàng hóa đầu vào của quá trình sản xuất là 54 triệu đồng, trong đó có 3 hóa đơn:

Hóa đơn 1: Giá chưa thuế là 15 triệu đồng. Thuế GTGT là 1.5 triệu đồng.

Hóa đơn 2: Giá chưa thuế là 20 triệu đồng, thuế GTGT là 2 triệu đồng. Thanh toán qua ngân hàng.

Hóa đơn 3: Giá chưa thuế 30 triệu đồng, thuế GTGT 3 triệu đồng. Thanh toán ½ bằng tiền mặt, ½ bằng tiền gửi ngân hàng.

Xác định thuế GTGT được khấu trừ của các hóa đơn nêu trên. Đáp án:

Hóa đơn 1: Được khấu trừ hết. Hóa đơn 2: Được khấu trừ hết.

Hóa đơn 3: Được khấu trừ ½ × 3 = 1,5 (triệu đồng).

* Xác định thuế GTGT đầu vào được khấu trừ:

+ Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT được khấu trừ toàn bộ, kể cả thuế GTGT đầu vào không được bồi thường của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT bị   tổn thất.

+ Nếu hàng hóa, dịch vụ, nguyên nhiên vật liệu, tài sản cố định mua vào dùng cho sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế và không chịu thuế GTGT thì chỉ được khấu trừ thuế số thuế đầu vào của các yếu tố mua vào dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế GTGT. Cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng thuế GTGT đầu vào được khấu trừ và không được khấu trừ. Trường hợp không hạch toán riêng được thì thuế đầu vào được khấu trừ tính theo tỷ lệ (%) giữa doanh số của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT so với tổng doanh số của hàng hóa, dịch vụ bán ra.

+ Thuế GTGT đầu vào phát sinh trong kỳ nào được kê khai, khấu trừ khi xác định số thuế phải nộp của kỳ đó, không phân biệt đã xuất dùng hay còn để trong kho. Trường hợp cơ sở kinh doanh phát hiện số thuế GTGT đầu vào khi kê khai, khấu trừ bị sai sót thì được kê khai, khấu trừ bổ sung trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế.

+ Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ bán cho tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn vốn viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại được khấu trừ toàn bộ.

+ Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ dầu, khí được khấu trừ toàn bộ.

* Một số trường hợp đặc biệt sau không được khấu trừ:

Tài sản cố định là ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (trừ ô tô sử dụng vào kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách, kinh doanh du lịch, khách sạn) có trị giá vượt trên 1,6 tỷ đồng (giá chưa có thuế GTGT) thì số thuế GTGT đầu vào tương ứng với phần trị giá vượt trên 1,6 tỷ đồng không được khấu trừ.

Ví dụ 7: Công ty A tháng 9/N có tài liệu sau:

Mua ô tô hiệu Lexus ES350 giá 3.260.000.000 VNĐ tạo tài sản cố định phục vụ hoạt động quản lý của công ty.

Tính số thuế VAT đầu vào được khấu trừ của công ty? Đáp án:

Thuế VAT được khấu trừ: 1.600.000.000 × 10% = 160.000.000 VNĐ.

2. Phương pháp tính trực tiếp trên GTGT

Có hai phương pháp cụ thể của phương pháp trực tiếp trên giá trị gia tăng. Một là, xác định thuế GTGT trực tiếp trên GTGT. Hai là, xác định thuế GTGT trực tiếp trên doanh thu.

a. Phương pháp trực tiếp trên GTGT

Đối tượng áp dụng: Hoạt động mua, bán, chế tác vàng bạc, đá quý.

Thuế GTGT phải nộp = Giá trị gia tăng x Thuế suất thuế giá trị gia tăng

Giá trị gia tăng của vàng, bạc, đá quý được xác định bằng giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý bán ra trừ (-) giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý mua vào tương ứng.

Giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý bán ra là giá thực tế bán ghi trên hóa đơn bán vàng, bạc, đá quý, bao gồm cả tiền công chế tác (nếu có), thuế giá trị gia tăng và các khoản phụ thu, phí thu thêm mà bên bán được hưởng.

Giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý mua vào được xác định bằng giá trị vàng, bạc, đá quý mua vào hoặc nhập khẩu, đã có thuế GTGT dùng cho mua bán, chế tác vàng, bạc, đá quý bán ra tương ứng.

Tờ khai thuế giá trị gia tăng (theo mẫu số 03/GTGT ban hành theo Thông tư 156/2013/TT-BTC).

b. Phương pháp trực tiếp trên doanh thu


phương pháp tính thuế GTGT theo trực tiếp

- Đối tượng áp dụng phương pháp tính trực tiếp trên GTGT:

+ Doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động có doanh thu hàng năm dưới mức ngưỡng doanh thu một tỷ đồng, trừ trường hợp đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế;

+ Doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập, trừ trường hợp đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế;

+ Hộ, cá nhân kinh doanh;

+ Tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam không theo Luật Đầu tư và các tổ chức khác không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật, trừ các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ để tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển và khai thác dầu khí.

+ Tổ chức kinh tế khác không phải là doanh nghiệp, hợp tác xã, trừ trường hợp đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ.

- Tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu được quy định theo từng hoạt động như sau:

+ Phân phối, cung cấp hàng hóa: 1%;

+ Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: 5%;

+ Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: 3%;

+ Hoạt động kinh doanh khác: 2%.

Chú ý:

Cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp khi bán hàng hóa, dịch vụ phải sử dụng hóa đơn bán hàng thông thường.

Cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp không được tính giá trị TSCĐ vào doanh số hàng hóa, dịch vụ mua vào để tính giá trị gia tăng.

Tờ khai thuế giá trị gia tăng (theo mẫu số 04/GTGT ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC)

Quy định về hóa đơn chứng từ mua bán hàng hóa, dịch vụ đối với từng phương pháp tính thuế GTGT

- Cơ sở kinh doanh khi mua, bán hàng hóa, dịch vụ phải thực hiện chế độ hóa đơn, chứng từ theo quy định của Pháp luật, cụ thể là:

+  Tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ phải sử dụng hóa đơn GTGT trong các hoạt động sau:

Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trong nội địa; Hoạt động vận tải quốc tế;

Xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu.

+Tổ chức, cá nhân khai, tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp khi bán hàng hóa, dịch vụ trong nội địa, xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu phải sử dụng hóa đơn bán hàng.

- Cơ sở kinh doanh khi xuất khẩu hàng hóa, cung ứng dịch vụ ra nước ngoài phải sử dụng hóa đơn xuất khẩu.

- Cơ sở kinh doanh khi bán hàng hóa, dịch vụ có tổng giá thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần thì không phải lập hóa đơn, trừ trường hợp người mua yêu cầu lập và giao hóa đơn. Khi bán hàng hóa, dịch vụ không phải lập hóa đơn, người bán phải lập bảng kê bán lẻ hàng hóa, dịch vụ để làm căn cứ tính thuế.

Nên lựa chọn phương pháp tính thuế GTGT nào

Phần trên chúng ta đã hiểu rõ về 2 phương pháp tính thuế GTGT, do vậy ta lập bảng so sánh giữa phương pháp khấu trừ thuế GTGT và phương pháp tính trực tiếp trên GTGT

Phương pháp khấu trừ thuế

Phương pháp tính trực tiếp trên GTGT

Đối tượng áp dụng:

Đối với những doanh nghiệp có số thuế GTGT đầu vào gần tương ứng với số thuế GTGT bán ra (chênh lệch thấp, không nhiều)

Ví dụ:

Đối với các doanh nghiệp kinh doanh thương mại hoặc dịch vụ hoặc sản xuất, xây dựng thông thường hoặc các ngành nghề khác có đầy đủ hóa đơn GTGT mua vào và hóa đơn GTGT bán ra

Hoặc các lĩnh vực xnk đủ điều kiện hoàn thuế

Doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực chịu thuế suất 0% như xd, sx cho khu chế xuất, hoặc xuất khẩu ra nước ngoài, hoặc hoạt động không chịu thuế như trồng trot, tín dụng, dịch vụ y tế, dạy học

Đối tượng áp dụng:

Đối với doanh nghiệp hoạt động ít hoặc không có hóa đơn GTGT

Hoặc đối với doanh nghiệp không có số thuế GTGT mua vào hoặc số thuế GTGT mua vào là quá nhỏ so với số thuế GTGT bán ra

Ví dụ như mua bán đất đá, sỏi cát từ cá nhân hoặc hộ kinh doanh trực tiếp sản xuất ra

Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vàng bạc, đá quý

Như vậy chúng ta cần lưu ý là nếu doanh nghiệp của bạn không có hóa đơn GTGT đầu vào thì nên cân nhắc lựa chọn phương pháp tính thuế GTGT theo phương pháp này là hợp lý

 

Tính phổ biến: Là phương pháp được áp dụng nhiều nhất

Tính phổ biến: Tỷ lệ thấp

Hóa đơn: Là Hóa đơn GTGT

Hóa đơn: Là hóa đơn bán hàng

Tính thuế:

Thuế GTGT phải nộp = Thuế GTGT đầu ra – Thuế GTGT đầu vào khấu trừ

Thuế GTGT đầu ra =DT (giá bán chưa thuế) X thuế suất

Thuế suất được tính như sau;  Không chịu thuế  Chịu thuế 0%  Chịu thuế 5%  Chịu thuế 10%

 

Tính thuế:    DT x tỷ lệ %

+ Phân phối, cung cấp hàng hóa: 1%;

+ Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: 5%;

+ Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: 3%;

+ Hoạt động kinh doanh khác: 2%.

 

Khai thuế theo mẫu:  01/GTGT

Xem thêm: Cách lập tờ khai thuế GTGT trên HTKK

Kê khai theo mẫu: 04/GTGT

03/GTGT (Đối với lĩnh vực vàng bạc đá quý)

 

Căn cứ pháp lý quy định về các phương pháp tính thuế GTGT

Khoản 1,2 và 5 Điều 12 Thông tư 219/2013/TT-BTC hướng dẫn Luật thuế giá trị gia tăng và Nghị định 209/2013/NĐ-CP do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
Khoản 12, Điều 7 Thông tư 219/2013/TT-BTC hướng dẫn Luật thuế giá trị gia tăng và Nghị định 209/2013/NĐ-CP do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
Điều 13 Thông tư 219/2013/TT-BTC hướng dẫn Luật thuế giá trị gia tăng và Nghị định 209/2013/NĐ-CP do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
Khoản 4, Điều 3 Thông tư 119/2014/TT-BTC sửa đổi Thông tư 156/2013/TT-BTC, 111/2013/TT-BTC, 219/2013/TT-BTC, 08/2013/TT-BTC, 85/2011/TT-BTC, 39/2014/TT-BTC và 78/2014/TT-BTC để cải cách, đơn giản thủ tục hành chính về thuế do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Trên là bài viết về các phương pháp tính thuế GTGT áp dụng hiện nay, việc doanh nghiệp sau khi hoàn thành thủ tục thành lập công ty xong sẽ phải lựa chọn phương pháp tính thuế GTGT, do vậy chủ doanh nghiệp hoặc kế toán dịch vụ cần tìm hiểu kỹ các nội dung trên nhé

Bài tiếpQuy định về kê khai nộp thuế GTGT

dịch vụ báo cáo tài chính