Cách phân loại thuế và ý nghĩa của việc phân loại thuế


Phân loại thuế là việc sắp xếp các sắc thuế trong hệ thống thuế thành những nhóm khác nhau theo những tiêu thức nhất định.

cách phân loại thuế

 

Các cách phân loại thuế

1. Phân loại theo đối tượng chịu thuế

Nếu căn cứ vào đối tượng chịu thuế, có thể chia các sắc thuế thành ba loại:

cách phân loại thuế theo đối tượng chịu thuế

+ Thuế thu nhập bao gồm các sắc thuế có đối tượng chịu thuế là thu nhập nhận được. Thu nhập này được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau: thu nhập từ lao động dưới dạng tiền lương, tiền công; thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh dưới dạng lợi nhuận, lợi tức, cổ phần... Thuế thu nhập cũng có nhiều hình thức khác nhau: thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập công ty, thuế thu nhập doanh nghiệp...

+ Thuế tiêu dùng là loại thuế có đối tượng chịu thuế là phần thu nhập được mang tiêu dùng trong hiện tại. Trong thực tế loại thuế tiêu dùng được thể hiện dưới nhiều dạng như thuế doanh thu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng...

+ Thuế tài sản là loại thuế có đối tượng chịu thuế là giá trị tài sản. Tài sản có nhiều hình thức biểu hiện: Tài sản chính gồm có tiền mặt, tiền gửi, chứng khóan, thương phiếu...; Tài sản cố định gồm nhà cửa, đất đai, máy móc, nhà máy, xe cộ...; Tài sản vô hình như nhãn hiệu, kỹ thuật và lợi thế thương mại. Thuế tài sản thường đánh trên giá trị của tài sản cố định gọi là thuế bất động sản, đánh trên chính gọi là thuế động sản.

2. Phân loại theo phương thức đánh thuế

Các hình thức thuế, suy cho cùng đều đánh vào thu nhập của người nộp thuế.

cách phân loại thuế theo phương thức đánh thuế

Tuy nhiên, tùy thuộc vào phương thức đánh thuế - đánh một cách trực tiếp hay gián tiếp vào thu nhập mà người ta chia hệ thống thuế thành hai loại:

+ Thuế trực thu là loại thuế đánh trực tiếp vào thu nhập hoặc tài sản của người nộp thuế. Người nộp thuế trực thu là người trả thuế cuối cùng trong một chu kỳ sản xuất kinh doanh nên khả năng và cơ hội chuyển dịch gánh nặng thuế của người nộp thuế cho người khác trở nên khó khăn hơn.

Thuế trực thu thường bao gồm các sắc thuế có cơ sở đánh thuế là thu nhập nhận được như: thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhà đất...

+ Thuế gián thu là loại thuế không trực tiếp đánh vào thu nhập và tài sản của người nộp thuế mà đánh một cách gián tiếp thông qua giá cả hàng hóa và dịch vụ. Người sản xuất hàng hóa và cung ứng dịch vụ cộng thêm phần thuế vào trong giá bán hàng    hóa và dịch vụ của mình. Khi hàng hóa và dịch vụ được bán, người sản xuất  thay mặt người tiêu dùng nộp khoản thuế gián thu cho Nhà nước.

Thuế gián thu mang tính chất thuế lũy thóai vì mức thuế không phụ thuộc vào thu nhập có khả năng nhận được của người nộp thuế. Thuế gián thu bao gồm: thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu và nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường.

3. Phân loại theo mối quan hệ giữa thuế với thu nhập

cách phân loại thuế theo mối quan hệ giữa thuế với thu nhập

Thuế lũy tiến: là loại thuế có tỷ suất thuế bình quân tăng khi thu nhập tăng.

Thuế lũy thoái: là loại thuế có tỷ suất thuế bình quân giảm khi thu nhập tăng.

Thuế tỷ lệ: là loại thuế có tỷ suất thuế bình quân không đổi khi thu nhập thay đổi.

Ví dụ 1: Ông X có thu nhập là 5 - 10 triệu/tháng, mức thuế suất thuế thu nhập cá nhân theo biểu thuế suất hiện hành ở Việt Nam là 5%. Khi thu nhập của ông X tăng lên từ 10 – 18 triệu/tháng, mức thuế suất thuế thu nhập cá nhân là 10% tính trên phần vượt 10 triệu... Khi thu nhập của ông X tăng lên đến mức trên 80 triệu/tháng, mức thuế suất thuế thu nhập cá nhân sẽ là 35% tính trên phần vượt 80 triệu. Đây là loại thuế lũy tiến hay lũy thóai?

Đáp án: Mức thuế tăng lên khi thu nhập tăng được gọi là thuế lũy tiến.

Ví dụ 2: Ông A có thu nhập 10 triệu, ông B có thu nhập 100 triệu. Ông A và B mua một cái máy tính trị giá 20 triệu, thuế suất thuế GTGT của mặt hàng máy tính là 10% là 2 triệu. Thuế GTGT trong trường hợp này được gọi là thuế lũy tiến hay lũy thóai?

Đáp án: Tỷ suất thuế bình quân được tính bằng số thuế phải trả trên tổng thu nhập. Như vậy, tỷ suất thuế bình quân của ông A là 2/10 = 20%, tỷ suất thuế bình quân của ông B là 2/100 = 2%. Ta có thể thấy: thu nhập của ông B gấp 10 lần ông A nhưng tỷ suất thuế bình quân của ông B chỉ bằng 1/10 lần ông A. Như vậy, chúng ta có thể gọi đây là loại thuế lũy thóai.

4. Phân loại theo cách xác định thuế suất

cách phân loại thuế theo cách xác định thuế suất

Thuế theo đơn vị: là loại thuế được xác định dựa trên đơn vị hàng hóa dịch vụ.

Thuế theo giá: là loại thuế được quy định bằng một tỷ lệ phần trăm nhất định trên giá hàng hóa dịch vụ.

Thuế hỗn hợp: là loại thuế kết hợp cả theo giá và theo đơn vị hàng hóa dịch vụ.

Ví dụ 3: Thuế nhập khẩu ô tô là 80% tính trên giá nhập khẩu được gọi là thuế theo giá. Thuế nhập khẩu xe ô tô cũ được tính là 3.600 USD/1 xe ô tô nhập khẩu có dung tích xilanh dưới 1.000 cm3 được gọi là thuế theo đơn vị.

Ý nghĩa của việc phân loại thuế?

Phân loại thuế có ý nghĩa quan trọng trong quản lý thu thuế từ khâu xây dựng chính sách đến triển khai thực hiện. Phân loại thuế nhằm làm rõ những điểm đặc thù của từng loại thuế và ảnh hưởng của chúng trong hệ thống thuế nói chung để vận dụng đúng đắn trong quá trình hoạch định chính sách thuế.

Bài tiếp: Các yếu tố cơ bản cấu thành một sắc thuế

dịch vụ báo cáo tài chính