Cách tính thuế xuất nhập khẩu mới nhất 2023


Cách tính thuế xuất nhập khẩu được xác định dựa vào các cơ sở tính thuế: như trị giá tính thuế, số lượng, thuế suất và tỷ giá hối đoái. Giá tính thuế nhập khẩu được xác định tuân theo trình tự các phương pháp của GATT/WTO, theo đó giá tính thuế là giá được xác định dựa trên việc áp dụng tuần tự 6 phương pháp trị giá hải quan và dừng lại ngay sau khi xác định được giá tính thuế. Trong mọi trường hợp không được áp dụng bảng giá tối thiểu hoặc giá của mặt hàng tương đương được sản xuất ở thị trường nội địa.

cách tính thuế xuất nhập khẩu mới nhất 2021
Nguyên tắc điểm đến được áp dụng đối với thuế xuất nhập khẩu tương tự như thuế tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng. Tuy nhiên, nguyên tắc “lãnh thổ quốc gia” để xác định nghĩa vụ nộp thuế trong thực tế phổ biến ở các nước được hiểu theo nghĩa mềm. Theo đó, nếu hàng hóa được đưa vào lãnh thổ quốc gia nhưng không thực sự được tiêu dùng ở thị trường nội địa thì được đối xử như trường hợp chưa thực sự nhập khẩu (chẳng hạn hàng nhập khẩu vào khu chê xuất) và ngược lại, hàng từ thị trường nội địa đưa vào khu phi thuế quan được đối xử như hàng đã xuất khẩu ra nước ngoài.
 
Việc truy thuế được áp dụng khi hàng nhập khẩu trước đây là đối tượng không chịu thuế nay chuyển đổi mục đích sử dụng có phát sinh nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước.

1. Cách tính thuế xuất nhập khẩu đối với hàng hóa áp dụng thuế suất theo tỷ lệ %

cách tính thuế xuất nhập khẩu

Trong đó:

a. Số lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

Số lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu làm căn cứ tính thuế là số lượng từng mặt hàng thực tế xuất khẩu, nhập khẩu. Số lượng này được xác định dựa vào tờ khai hải quan của các tổ chức, cá nhân có hàng hóa xuất, nhập khẩu.

b. Giá tính thuế

b.1. Đối với hàng xuất khẩu:

 Giá tính thuế là giá bán hàng tại cửa khẩu xuất (giá FOB, giá DAF), không bao gồm phí vận tải và bảo hiểm quốc tế.

Ví dụ 1: Cách tính trị giá thuế xuất nhập khẩu theo FOB

Công ty cà phê Trung Nguyên xuất khẩu lô hàng gồm 5.000 hộp cà phê nguyên chất sang Nhật Bản. Hai bên thanh toán theo giá mua tại cảng Yokohama, Nhật Bản. Chi phí vận chuyển quốc tế là 0,5 USD/hộp. Chi phí bảo hiểm cho cả lô hàng là 2.700 USD. Tổng giá trị hợp đồng là 26.000 USD.

Hãy xác định trị giá tính thuế của cả lô hàng xuất khẩu trên.

Đáp án:

Trị giá tính thuế xuất khẩu là: 26.000 – 0,5 × 5.000 – 2.700 = 20.800 (USD) (Giá theo FOB)

Ví dụ 2Cách tính trị giá thuế xuất nhập khẩu theo DAF

Công ty lương thực miền Bắc xuất khẩu 1.000 tấn gạo sang Trung Quốc, giá thanh toán tại cửa khẩu Tân Thanh là 410 USD/tấn. Chi phí vận chuyển từ kho đến cửa khẩu là 50.000 đồng/tấn.

Xác định giá tính thuế xuất khẩu, biết rằng tỷ giá ngoại tệ 1 USD = 22.000 VNĐ.

Đáp án:

Trị giá tính thuế xuất khẩu là 410 USD (giá DAF).

Hay 410 × 22.000 = 9.020.000 đồng.

b.2. Đối với hàng nhập khẩu:

Giá tính thuế là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên và được xác định bằng cách áp dụng tuần tự 6 phương pháp xác định trị giá tính thuế và dừng ngay ở phương pháp xác định đươc trị giá tính thuế.

- 6 phương pháp xác định trị giá tính thuế hàng nhập khẩu bao gồm:

+ Phương pháp trị giá giao dịch;

+ Phương pháp trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu giống hệt;

+ Phương pháp trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu tương tự;

+ Phương pháp trị giá khấu trừ;

+ Phương pháp trị giá tính toán;

+ Phương pháp suy luận.

- Điều kiện xác định phương pháp trị giá giao dịch

Trị giá tính thuế của hàng hóa nhập khẩu trước hết phải được xác định theo phương pháp trị giá giao dịch nếu hội đủ các điều kiện sau:

Thứ nhất, người mua không bị hạn chế quyền định đoạt, quyền sử dụng hàng hóa sau khi nhập khẩu, ngoại trừ các hạn chế sau:

+ Hạn chế về việc mua bán, sử dụng hàng hóa theo quy định của pháp luật Việt Nam;

+ Hạn chế về nơi tiêu thụ hàng hóa sau khi nhập khẩu;

+ Những hạn chế khác không làm ảnh hưởng đến trị giá của hàng hóa

Thứ hai, việc bán hàng hay giá cả hàng hóa không phụ thuộc những điều kiện hay các khoản thanh toán dẫn đến việc không xác định được trị giá của những hàng hóa cần xác định trị giá tính thuế

Thứ ba, sau khi bán lại hàng hóa, người nhập khẩu không phải trả thêm bất kỳ khoản tiền nào từ số tiền thu được do việc định đoạt hoặc sử dụng hàng hóa mang lại (không kể khoản phải cộng điều chỉnh được quy định).

Thứ tư, người mua và người bán không có mối quan hệ đặc biệt hoặc nếu có thì mối quan hệ đặc biệt đó không ảnh hưởng đến trị giá giao dịch.

Nếu đủ các điều kiện trên, trị giá tính thuế của hàng hóa nhập khẩu được xác định như sau:

cách tính thuế xuất nhập khẩu

Trong đó:

+ Giá mua ghi trên hóa đơn là tổng số tiền người mua đã trả hay sẽ phải trả cho người bán để mua hàng hóa nhập khẩu. Nếu giá mua trên hóa đơn bao gồm các khoản giảm giá cho lô hàng nhập khẩu phù hợp với thông lệ thương mại quốc tế thì được trừ khi xác đinh trị giá tính thuế.

+ Các khoản tiền người mua phải thanh toán nhưng chưa tính vào giá mua ghi trên hóa đơn như: Tiền ứng trước, tiền đặt cọc cho việc sản xuất, mua bán, vận tải,  bảo hiểm hàng hóa; các khoản thanh toán gián tiếp cho người bán.

+ Các khoản điều chỉnh tăng: Chỉ điều chỉnh các khoản phải cộng khi các khoản này liên quan trực tiếp đến hàng hóa nhập khẩu, do người mua thanh toán và chưa được tính vào tổng số tiền người mua đã trả hay sẽ phải trả.

- Các khoản điều chỉnh tăng khi xác định trị giá tính thuế hàng nhập khẩu bao gồm:

+ Tiền hoa hồng bán hàng, phí môi giới, nếu các chi phí này bao gồm cả các khoản thuế phải nộp ở Việt Nam thì không phải cộng các khoản thuế đó vào trị giá tính thuế của hàng hóa nhập khẩu;

+ Chi phí bao bì được coi là đồng nhất với hàng hóa nhập khẩu;

+ Chi phí đóng gói hàng hóa, bao gồm cả chi phí vật liệu và nhân công đóng gói;

+ Trị giá hàng hóa, dịch vụ do người mua cung cấp cho người bán miễn phí hoặc giảm giá để sản xuất hoặc bán hàng hóa xuất khẩu đến Việt Nam (trị giá các khoản trợ giúp);

+ Tiền bản quyền, phí giấy phép sử dụng các quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến hàng hóa nhập khẩu mà người mua phải trả như một điều kiện của việc mua bán hàng hóa nhập khẩu;

+ Các khoản tiền mà người mua thu được sau khi định đoạt, sử dụng hàng hóa nhập khẩu được chuyển cho người bán hàng nhập khẩu dưới mọi hình thức;

+ Chi phí vận tải, bốc xếp, vận chuyển hàng có liên quan đến việc vận chuyển hàng nhập khẩu đến cửa khẩu nhập;

+ Chi phí bảo hiểm để vận chuyển hàng hóa nhập khẩu đến cửa khẩu nhập.

- Các khoản điều chỉnh giảm khi xác định trị giá tính thuế hàng nhập khẩu:

 Nếu các khoản được trừ đã nằm trong giá mua hàng nhập khẩu và có các số liệu khách quan dựa trên tài liệu, chứng từ hợp pháp hợp lệ có sẵn tại thời điểm xác định trị giá tính thuế thì được trừ để xác định trị giá tính thuế. Các khoản được trừ bao gồm:

+ Chi phí cho những hoạt động phát sinh sau khi nhập khẩu hàng hóa, bao gồm các chi phí về xây dựng, kiến trúc, lắp đặt, bảo dưỡng hoặc trợ giúp kỹ thuật, tư vấn kỹ thuật, chi phí giám sát và các chi phí tương tự;

+ Chi phí vận tải, bảo hiểm trong nội địa Việt Nam;

+ Các khoản thuế, phí, lệ phí phải nộp ở Việt Nam đã nằm trong giá mua hàng hóa nhập khẩu;

+ Các khoản giảm giá (giảm giá theo cấp độ thương mại của giao dịch mua bán hàng hóa; giảm giá theo số lượng hàng hóa mua bán) thỏa mãn các điều kiện: Được lập thành văn bản trước khi xếp hàng lên phương tiện vận tải ở nước xuất khẩu hàng hóa; Có số liệu khách quan và chứng từ hợp pháp định lượng được để khấu trừ khoản giảm giá này ra khỏi giá đã thanh toán hoặc phải thanh toán; Thực hiện thanh toán qua ngân hàng bằng phương thức L/C hoặc TTR cho toàn bộ hàng hóa nhập khẩu thuộc hợp đồng mua bán; Trị giá khai báo và thực tế về số lượng hàng hóa nhập khẩu, cấp độ thương mại, hình thức và thời gian thanh toán phải phù hợp với Bảng công bố giảm giá của người bán.

- Các chi phí do người mua chịu, liên quan đến tiếp thị hàng hóa nhập khẩu, bao gồm: Chi phí nghiên cứu, điều tra thị trường về sản phẩm sắp nhập khẩu; Chi phí quảng cáo nhãn hiệu, thương hiệu hàng nhập khẩu; Chi phí liên quan đến việc trưng bày, giới thiệu sản phẩm mới nhập.

- Khoản lãi suất theo thỏa thuận tài chính của người mua và có liên quan đến việc mua hàng hóa nhập khẩu nếu đáp ứng các điều kiện:

Thỏa thuận tài chính được lập thành văn bản; Trong trườg hợp được yêu cầu, người khai hải quan chứng minh được là trị giá khai báo chính là giá đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán; Lãi suất khai báo không vượt quá mức lãi suất phổ biến tại Việt Nam ở thời điểm thỏa thuận tài chính được thực hiện; Có số liệu khách quan và định lượng được để khấu trừ khoản lãi này ra khỏi giá đã thanh toán hoặc phải thanh toán.

Ví dụ 3: Công ty A nhập khẩu một dây chuyền sản xuất:  Giá mua trên hóa đơn là 199.000 USD, số tiền này phải thanh toán cho bên xuất khẩu làm 3 lần chưa kể số tiền đặt cọc 20.000 USD ngay khi ký hợp đồng, lần thứ nhất là 75.000 USD, lần thứ 2 là 75.000 USD, lần thứ 3 là 29.000 USD, mỗi lần cách nhau 4 tháng, số tiền trên bao gồm tiền lãi mua trả chậm là 5.500 USD.

Các khoản chi phí khác ngoài giá mua trên hóa đơn:

+ Chi phí vận chuyển, bảo hiểm hàng đến cửa khẩu nhập: 15.000 USD.

+ Chi phí vận chuyển từ cửa khẩu nhập về kho: 25 triệu đồng.

+ Chi phí lắp đặt chạy thử 55 triệu đồng.

Xác định trị giá tính thuế nhập khẩu của lô hàng theo phương pháp trị giá giao dịch?

Trả lời:

Trị giá giao dịch: Giá mua trên hóa đơn 199.000 USD.

Các khoản phải cộng: Chi phí vận chuyển, bảo hiểm đến cửa khẩu nhập: 15.000 USD. Các khoản được trừ: Tiền lãi trả chậm 5.500 USD.

Trị giá tính thuế là: 199.000 + 15.000 – 5.500 = 208.500 USD.

c.Thuế suất

Thuế suất thuế xuất khẩu, nhập khẩu được quy định đối với từng loại hàng hóa, được  xác định dựa trên biểu thuế suất của luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

 Biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu được xác định dựa trên nguyên tắc:

- Phân biệt đối với từng loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tùy theo yêu cầu điều tiết của Nhà nước trong từng thời kỳ. Cụ thể: hàng hóa nào cần khuyến khích xuất khẩu, nhập khẩu thì thuế suất thấp. Hàng hóa nào không khuyến khích xuất khẩu, nhập khẩu thì thuế suất cao. Hiện nay để khuyến khích hoạt động xuất khẩu hàng hóa, biểu thuế xuất khẩu phần lớn có thuế suất 0%.

- Biểu thuế nhập khẩu phân biệt theo khu vực thị trường hoặc các hiệp định thương mại về đối xử tối huệ quốc. Thuế suất thuế nhập khẩu gồm: thuế suất thông thường, thuế suất ưu đãi, thuế suất ưu đãi đặc biệt được thực hiện như sau:

+ Thuế suất thông thường áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ không thực hiện đối xử tối huệ quốc và không thực hiện ưu đãi đặc biệt về thuế nhập khẩu đối với Việt Nam. Thuế suất thông thường được áp dụng thống nhất bằng 150% mức thuế suất ưu đãi của từng mặt hàng tương ứng quy định tại biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.

Thuế suất thông thường = Thuế suất ưu đãi × 150%

+ Thuế suất ưu đãi áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ thực hiện đối xử tối huệ quốc trong quan hệ thương mại với Việt Nam. Thuế suất ưu đãi được quy định cụ thể cho từng mặt hàng tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi do Bộ Tài chính ban hành.

+ Thuế suất ưu đãi đặc biệt áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ đã có thỏa thuận ưu đãi đặc biệt về thuế nhập khẩu với Việt Nam theo thể chế khu vực thương mại tự do, liên minh quan thuế hoặc để tạo thuận lợi cho việc giao lưu thương mại biên giới và trường hợp ưu đãi đặc biệt khác. Thuế suất ưu đãi đặc biệt được áp dụng cụ thể cho từng mặt hàng theo quy định trong thỏa thuận.

Lưu ý: Tỷ giá hối đoái

Tỷ giá giữa đồng Việt Nam với đồng tiền nước ngoài dùng để xác định trị giá tính thuế là tỷ giá ngoại tệ mua vào theo hình thức chuyển khoản của Hội sở chính Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam tại thời điểm cuối ngày của ngày thứ năm tuần trước liền kề hoặc là tỷ giá cuối ngày của ngày làm việc liền trước ngày thứ năm trong trường hợp ngày thứ năm là ngày lễ, ngày nghỉ. Tỷ giá này được sử dụng để xác định tỷ giá tính thuế cho các tờ khai hải quan đăng ký trong tuần.

- Đối với các ngoại tệ không được Hội sở chính Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam công bố tỷ giá thì xác định theo tỷ giá tính chéo giữa đồng Việt Nam với một số ngoại tệ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố.

- Đối với các ngoại tệ chưa được công bố tỷ giá tính chéo thì xác định theo nguyên tắc tính chéo giữa tỷ giá đô la Mỹ (USD) với đồng Việt Nam và tỷ giá giữa đồng đô la Mỹ với các ngoại tệ đó do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố. Tỷ giá do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố là tỷ giá được đưa tin mới nhất trên trang điện tử của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

2. Cách tính thuế xuất nhập khẩu đối với hàng hóa áp dụng thuế tuyệt đối

cách tính thuế xuất nhập khẩu

Trong đó:

Số lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu làm căn cứ tính thuế là số lượng từng mặt hàng thực tế xuất khẩu, nhập khẩu ghi trong tờ khai hải quan thuộc Danh mục hàng hóa áp dụng thuế tuyệt đối.

Ví dụ 4:

Doanh nghiệp Nhật Vinh trong tháng 2/2017 nhập khẩu một ô tô 5 chỗ ngồi đã qua sử dụng loại 1.000 cc. Tỷ giá ngoại tệ tại thời điểm tính thuế là 1 USD = 22.500 VNĐ. Xác định mức thuế nhập khẩu phải nộp?

Đáp án:

Mức thuế nhập khẩu phải nộp là:

10.000 × 22.500 = 225.000.000 (đồng)

Theo phụ lục III Nghị định 122/2016/NĐ-CP

Mô tả mặt hàng

Thuộc nhóm mã số trong Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi

Đơn vị tính

Mức thuế (USD)

- Dưới 1.000 cc

8703

Chiếc

5.000

- Từ 1.000 cc đến dưới 1.500 cc

8703

Chiếc

10.000

Trên là bài viết cách tính thuế xuất nhập khẩu dành cho các bạn đang học kế toán thực hành xuất nhập khẩu hoặc đang nghiên cứu về lĩnh vực này, nếu bạn chưa vững sẽ cùng luyện thông qua các dạng bài tập tại: Bài tập thuế xuất nhập khẩu

Bài tiếp: Các trường hợp miễn thuế xuất nhập khẩu