Chế độ tiền tệ là gì


Chế độ tiền tệ là hình thức tổ chức lưu thông tiền tệ của một quốc gia, được quy định bàng pháp luật.

Tầm quan trọng của chế độ tiền tệ: xuất phát từ chức năng của tiền: phương tiện trao đổi, thước đo giá trị, và lưu giữ giá trị, các chức năng này phải được đảm bảo tương đối ổn định, nếu không tiền sẽ không đảm bảo được chức năng của nó và việc sử dụng, lưu thông tiền cũng như các hoạt động khác có liên quan đến tiền sẽ diễn ra rất khó khăn.

Ví dụ: Đời nhà Hán, Hiếu Văn Đế theo sử ký Tư Mã Thiên, nhà vua cho phép dùng đồng để đúc tiền – loại tiền 4 thù nhưng lại đề là nửa lạng (12 thù), và cho phép dân chúng tha hồ đúc tiền. Do vậy một số nhà nhờ lấy đồng ở núi đúc tiền mà giàu hơn cả vua, giá cả tăng lên nhanh chóng làm cho việc trao đổi mua bán rất khó khăn, do vậy nhà vua phải ra lệnh cấm đúc tiền. Hay thời nay hiện tượng tiền giả cũng gây một số tác hại trong lưu thông (tuy nhiên không nghiêm trọng do chính phủ vẫn quản lý được).

Khái niệm chế độ tiền tệ là gì

Chế độ tiền tệ là hình thức tổ chức quản lý lưu thông, sử dụng tiền tệ trong một quốc gia. Chế độ tiền tệ liên quan đến việc ai là người có quyền phát hành tiền, tiêu chuẩn giá cả, hình thức, đặc điểm của tiền.

chế độ tiền tệ là gì

Chế độ tiền tệ bao gồm 3 yếu tố:

- Bản vị tiền tệ – hàng hoá làm cơ sở định giá tiền tệ (dựa vào vàng, bạc, đồng…)

- Đơn vị tiền tệ – tên đồng tiền – tiêu chuẩn giá cả – xác định lượng giá trị mà  1 đơn vị tiền tệ đại diện (mua được) 1 ounce vàng = 31,1035 gr = 20$ hay $1 = 1.504 gram vàng, 1 chỉ = 3,845 gram vàng (năm 1870).

- Hình thái tiền tệ: biểu hiện hiện vật của tiền như tiền giấy, kim loại, tiền sec, thẻ thanh toán.

Phân loại chế độ tiền tệ

Trong lịch sử đã từng có các chế độ tiền tệ sau đây: bản vị đồng, bản vị bạc, lưỡng kim bản vị (vàng, bạc) tuy nhiên chúng ta sẽ xem xét các chế độ sau:

1. Chế độ bản vị vàng:

Đồng tiền của một nước được đảm bảo bằng một trọng lượng vàng nhất định.

Các đặc điểm của chế độ này là:

+ Nhà nước không hạn chế đúc tiền vàng.

+ Tiền giấy được tự do chuyển đổi ra vàng theo một tỷ lệ quy định.

+ Tiền vàng được lưu thông không hạn chế.

Một chế độ rất gần với bản vị vàng là Chế độ bản vị vàng thỏi. Trong chế độ này, tiền giấy được chuyển đổi ra vàng theo luật định nhưng chỉ với một lượng tiền nhất định tương đương với bội số của 1 thỏi vàng mới được chuyển đổi. Vàng không được đúc thành tiền mà đúc thành thỏi làm chức năng dự trữ và thanh toán quốc tế.

Quy luật lưu thông tiền tệ trong chế độ bản vị vàng:

Khi tất cả các quốc gia còn tuân thủ nguyên tắc đổi tiền tự do ra vàng, số lượng tiền có trong lưu thông phụ thuộc vào dự trữ vàng của mỗi nước cũng như lượng vàng dịch chuyển giữa các quốc gia. Và việc lưu hành tiền tệ phụ thuộc rất lớn vào dự trữ vàng và mức sản xuất vàng. Những năm 1870 và 1880, lượng tiền cung ứng của các nước trên thế giới tăng chậm, và không tương đương với tốc độ tăng của hàng hoá sản xuất ra gây hiện tượng tiền tăng giá (giảm phát – mức giá cả giảm). Những năm 1890, vàng tìm thấy ở Alaska và Nam Phi làm lượng vàng sản xuất ra tăng mạnh làm cho lượng tiền trong lưu thông tăng nhanh và gây ra lạm phát cho đến trước thế chiến thứ nhất.

Sau đại chiến thứ nhất, một số nước cố gắng trở lại chế độ bản vị vàng (Anh, Mỹ, Pháp). Nhưng các nước này đã gặp phải tình trạng thâm hụt cán cân thanh toán làm dự trữ vàng cạn dần. (Người Anh mua từ nước ngoài nhiều hơn là người nước ngoài mua hàng của Anh, và người nước ngoài đổi Pound ra vàng làm dự trữ vàng của Anh giảm xuống). Do vậy Anh đã phải dừng việc chuyển đổi của đồng Bảng năm 1931, sau đó là Mỹ và một số nước khác phá giá đồng tiền của họ (mặc dù vẫn theo đuổi chế độ bản vị vàng) điều này tạo nên áp lực đối với dự trữ vàng của nhiều nước và cuối cùng chế độ này sụp đổ khi chiến tranh thế giới thứ 2 xảy ra.

 2. Chế độ bản vị ngoại tệ (hệ thống BrettonWood)

Dưới chế độ tiền tệ này, đồng tiền của một nước không được tự do chuyển đổi ra vàng mà được đổi ra một đồng ngoại tệ (USD) theo một tỷ giá cố định và (USD) được chuyển đổi ra vàng theo yêu cầu của NHTW các nước. Tuy nhiên trong hệ thống này, khi một nước có cán cân thanh toàn bị thâm hụt hoặc thặng dư, họ sẽ phải điều chỉnh tỷ giá (tiêu chuẩn giá cả) của đồng tiền nước họ theo USD, tuy nhiên việc điều chỉnh này không thành công dẫn đến sự sụp đổ của chế độ tiền tệ này trên thế giới.

Ví dụ: Anh là nước có thâm hụt các cân thanh toán với các nước. khi đó các nước bán hàng cho Anh sẽ yêu cầu NHTW Anh đổi Bảng Anh ra USD cho họ làm cho dự trữ USD của Anh bị cạn kiệt, cho đến khi NHTW Anh không có khả năng chuyển đổi Pound ra USD nữa thì đồng Pound bị phá giá và tỷ giá sẽ bị điều chỉnh lại.

Đối với Mỹ là nước có thâm hụt cán cân thương mại với Đức, NHTW Đức sẽ phải mua USD vào để giữ tỷ giá làm cho mức cung tiền tăng và lạm phát tăng cao cho đến khi không thể mua USD vào nữa thì phải tăng giá đồng Mark trên thị trường. Khi thâm hụt ngân sách của Mỹ tiếp tục tăng (do chính sách tiền tệ mở rộng từ cuộc chiến tranh với VN) kết quả tương tự đối với các nước khác là các đồng tiền khác cũng có sức ép tăng giá so với USD. Năm 1971 Tổng thống Nixon tuyên bố không chuyển đổi USD ra vàng nữa và sau đó Khi NHTW các nước không còn đủ sức can thiệp để mua USD giữ vững tỷ giá thì họ phải thả nổi tỷ giá và làm cho chế độ tỷ giá cố định sụp đổ vào năm 1973. Tuy nhiên hiện nay, rất nhiều nước vẫn gắn giá trị đồng nội tệ của họ với $ mỹ.

3. Chế độ bản vị tiền giấy

Đặc điểm của chế độ này:

- NHTW nắm độc quyền trong việc phát hành giấy bạc.

- Vàng rút khỏi lưu thông làm phương tiện thanh toán quốc tế.

- Tiền giấy không được chuyển đổi tự do ra vàng.

- Tiền giấy là tiền pháp định.

- Giá trị của tiền phụ thuộc vào sức mua thực tế của nó và được đo bằng số nghịch đảo của mức giá cả. Khi mức giá cả tăng cao làm cho giá trị hay sức mua của đồng tiền giảm xuống và ngược lại.

Quy luật lưu thông tiền tệ trong chế độ bản vị tiền giấy: Lượng tiền cần thiết trong lưu thông bằng số lượng hàng hoá dịch vụ mà nền kinh tế sản xuất ra trong một thời kỳ chia cho vòng quay tiền tương ứng.

M = PQ/V

Lượng tiền tăng lên trong lưu thông chỉ bằng đúng với lượng hàng hoá tăng lên trong nền kinh tế, nếu không sẽ xảy ra lạm phát. Tuy nhiên lượng cầu tiền còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố nữa ngoài tổng sản phẩm quốc dân.

Với nội dung trên các bạn đã giải thích được Chế độ tiền tệ là gì? Phân tích các nội dung của chế độ tiền tệ. Tại sao chế độ tiền tệ lại    quan trọng ? Nếu bạn muốn tìm hiểu về kế toán tài chính, các khoản đầu tư tài chính có thể tìm hiểu tới khóa học kế toán online 1 kèm 1 do đội ngũ chuyên gia kế toán trưởng trực tuyến đào tạo

Xem tiếp bài: Bản chất tài chính là gì