Chức năng của ngân hàng thương mại


Chức năng của ngân hàng thương mại gồm Chức năng trung gian tín dụng, Chức năng trung gian thanh toán, Chức năng tạo phương tiện thanh toán, Chức năng thực thi chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương

Chức năng của ngân hàng thương mại

1. Chức năng trung gian tín dụng

Đây là chức năng cơ bản và đặc trưng nhất của ngân hàng thương mại và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế hàng hóa phát triển. Thực hiện chức năng này, một mặt ngân hàng thương mại huy động và tập trung vốn tiền tệ tạm thời nhàn rỗi trong nền kinh tế như vốn tạm thời nhàn rỗi trong các tổ chức kinh tế, cơ quan đoàn thể, tiền tiết kiệm của dân cư để hình thành nguồn vốn cho vay, mặt khác trên cơ sở nguồn vốn đã huy động được, ngân hàng sử dụng cho vay để đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế.

chức năng của ngân hàng thương mại

Khi thực hiện chức năng làm trung gian tín dụng, ngân hàng thương mại đã huy động triệt để được các khoản vốn nhàn rỗi, điều hòa vốn từ nơi thừa đến nơi thiếu, kích thích quá trình luân chuyển vốn của toàn xã hội và thúc đẩy quá trình tái sản xuất của doanh nghiệp.
Thực hiện chức năng trung gian tín dụng, ngân hàng thương mại thực sự là một cầu nối giữa những người có tiền muốn cho vay hoặc muốn gửi ở ngân hàng với những người thiếu vốn cần vay. Ngân hàng thương mại đã góp phần tạo lợi ích công bằng cho cả ba bên trong quan hệ: người gửi tiền, ngân hàng và người vay.
Đối với người gửi tiền: sinh lời được vốn tạm thời nhàn rỗi của mình và được ngân hàng tạo các tiện ích như sự an toàn hoặc cung cấp các phương tiện thanh toán.
Đối với người vay: sẽ thỏa mãn được nhu cầu kinh doanh hoặc chi tiêu, thanh toán mà không tốn nhiều công sức, thời gian cho việc tìm kiếm nơi vay tiền tiện lợi, chắc chắn và hợp pháp.
Đối với Ngân hàng thương mại: sẽ tìm kiếm được lợi nhuận cho bản thân mình từ chênh lệch lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi hoặc hoa hồng môi giới. Lợi nhuận này chính là cơ sở  tồn tại và phát triển của ngân hàng thương mại.
Thông qua chức năng này, ngân hàng thương mại đã thực hiện việc chuyển tiền tiết kiệm thành tiền đầu tư. Những chủ thể  dư thừa vốn cũng có thể trực tiếp đầu tư bằng cách mua các công cụ tài chính sơ cấp như: cổ phiếu, trái phiếu của doanh nghiệp hoặc Chính phủ thông qua thị trường tài chính. Nhưng thị trường tài chính đôi khi không đem lại
hiệu quả cao nhất cho người đầu tư vì: khó tìm kiếm thông tin; chi phí tìm kiếm thông tin lớn; chất lượng thông tin không cao; chi phí giao dịch lớn; phải có sự trùng khớp giữa người thừa vốn, người thiếu vốn, số 3 lượng, thời hạn,… Chính vì thế ngân hàng thương mại với tư cách là một trung gian tài chính đứng ra nhận tiền gửi tiết kiệm và cung cấp vốn cho nền kinh tế với số lượng và thời hạn phong phú, đa dạng đáp ứng mọi nhu cầu về vốn của khách hàng đủ điều kiện vay vốn. Với mạng lưới giao dịch rộng khắp, các dịch vụ  đa dạng, cung cấp thông tin nhiều chiều, hoạt động ngày càng phong phú, chuyên môn hóa vào từng lĩnh vực. Ngân hàng thương mại đã thật sự giải quyết được những hạn chế của thị trường tài chính trực tiếp, góp phần nâng cao hiệu quả luân chuyển vốn trong nền kinh tế thị trường. Ngày nay, có thể nói mọi quan hệ kinh tế - xã hội của loài người đều thông qua quan hệ tiền tệ và chủ yếu thông qua hoạt động của ngân hàng bên cạnh hoạt động của tổ chức phi ngân hàng.

2. Chức năng trung gian thanh toán

Trong chức năng này, xuất phát từ việc ngân hàng là người thủ quỹ của các doanh nghiệp, các ngân hàng có thể thực hiện các dịch vụ thanh toán theo sự ủy nhiệm của khác hàng. Trong quá trình thanh toán, ngân hàng đã sử dụng tiền giấy thay cho vàng trong quá trình lưu thông, và sau đó là sử dụng những công cụ lưu thông tín dụng thay cho tiền giấy. Khi khách hàng gửi tiền vào ngân hàng, họ sẽ được ngân hàng đảm bảo an toàn trong việc cất giữ tiền và thực hiện thu chi một cách nhanh chóng, tiện lợi. Trong khi làm trung gian thanh toán, ngân hàng tạo ra các công cụ lưu thông tín dụng và độc quyền quản lý các công cụ đó (séc, giấy chuyển tiền, thẻ thanh toán…) đã tiết kiệm cho xã hội rất nhiều chi phí về lưu thông.
Trong một nền kinh tế phát triển, quy mô thanh toán, số lượng các khoản thanh toán và khoảng cách giữa khách hàng với nhau ngày càng tăng lên nhanh chóng. Việc thanh toán trực tiếp giữa các khách hàng sẽ không thể nào thỏa mãn được yêu cầu của nền kinh tế nếu không có hệ thống ngân hàng thương mại làm chức năng trung gian thanh toán cho các chủ thể của nền kinh tế.
chức năng của ngân hàng thương mại

Việc hệ thống ngân hàng thương mại thực hiện chức năng trung gian thanh toán mang một ý nghĩa rất to lớn đối với toàn bộ nền kinh tế nói chung.
Trước hết, hệ thống ngân hàng thương mại sẽ cung cấp cho các chủ thể của nền kinh tế nhiều công cụ thanh toán mang tiện ích cao như: thẻ thanh toán, thẻ tín dụng, thẻ rút tiền, ngân phiếu, ủy nhiệm chi, ủy nhiệm thu,…
Tùy theo yêu cầu, khách hàng có quyền lựa chọn một trong những công cụ thanh toán thích hợp. Nhờ có các phương thức thanh toán được thực hiện bởi ngân hàng thương mại, các chủ thể kinh tế không phải giữ tiền trong túi, mang theo tiền đến gặp chủ nợ, gặp người được thụ hưởng dù gần hay xa mà họ có thể sử dụng một phương thức thanh toán nào đó đơn giản, chẳng hạn như một tờ séc, một ủy nhiệm chi… để giao cho khách hàng hoặc yêu cầu ngân hàng chi trả hộ, thu hộ các khoản tiền theo ý muốn của mình.
Thứ hai, khi sử dụng các phương thức thanh toán, bản thân các chủ thể kinh tế sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí lao động, thời gian lại an toàn. Hệ thống ngân hàng thương mại cũng tích tụ được nguồn vốn khổng lồ để có thể mở rộng khả năng tín dụng của mình.
Ngày nay, có thể nói rằng hoạt động thanh toán của hệ thống ngân hàng thương mại chiếm một vị trí quan trọng trong hoạt động của ngân hàng thương mại. Nó tạo điều kiện cho nhiều dịch vụ khác của ngân hàng phát triển dễ dàng hơn, đồng thời cũng tiết kiệm một khối lượng lớn tiền mặt trong lưu thông.
Nhìn vào hệ thống thanh toán của ngân hàng thương mại, người ta có thể đánh giá ngay được hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại có hiệu quả không?
Chu chuyển tiền tệ ngày nay chủ yếu thông qua hệ thống ngân hàng thương mại và do vậy chỉ khi chức năng trung gian thanh toán được hoàn thiện thì vai trò của ngân hàng thương mại sẽ được nâng cao hơn với tư cách là người thủ quỹ của xã hội.

3. Chức năng tạo phương tiện thanh toán

Ngân hàng thương mại là một trong những tổ chức trung gian tài chính, làm trung gian giữa cung và cầu về vốn tiền tệ. Ngoài việc thu hút tiền gửi và cho vay trên số tiền gửi đó, Ngân hàng thương mại còn tạo tiền khi cấp tín dụng. Số gia tăng tiền gửi, cho vay và dự trữ bắt buộc được diễn tiến  theo cấp số nhân.
chức năng của ngân hàng thương mại
 

Tổng bút tệ được các ngân hàng thương mại tạo ra sẽ là:

chức năng của ngân hàng thương mại

Trong đó:
NM: Tổng số bút tệ tạo ra.
M: Số tiền gửi ban đầu.
r: Tỷ lệ dự trữ bắt buộc.
Nếu số tiền gửi ban đầu là 10 triệu đồng thì ngân hàng thương mại có thể tạo ra một số tiền gửi không kỳ hạn gấp 10 lần số tiền gửi ban đầu nếu tỷ lệ dự trữ bắt buộc là 10%. Từ đây cho phép chúng ta đi đến kết luận: nếu tỷ lệ dự trữ bắt buộc thay đổi sẽ ảnh hưởng đến khối lượng bút tệ được tạo ra.
Như vậy các ngân hàng thương mại có khả năng tạo tiền khi phát tín dụng thông qua tài khoản ở ngân hàng. Tiền tín dụng không có hình thái vật chất, nó chỉ là những con số trả tiền hay chuyển tiền thể hiện trên tài khoản ở ngân hàng. Là tiền phi vật chất, nhưng nó cũng có những tính chất giống tiền giấy: được sử dụng trong thanh toán qua những công cụ thanh toán của ngân hàng như: séc, lệnh chuyển tiền…, nó còn có một số ưu điểm hơn tiền giấy: an toàn hơn, chuyển đổi ra tiền giấy một cách dễ dàng, thanh toán thuận tiện, kiểm nhận nhanh chóng, di chuyển dễ dàng. Nó được sử dụng một cách phổ biến, thể hiện sức mua mạnh của đồng tiền ghi sổ.

4. Chức năng thực thi chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương

Để thực thi chính sách tiền tệ, ngân hàng trung ương (NHTW) thường sử dụng nhiều công cụ chính sách khác nhau, trong đó tập trung vào các chính sách chủ yếu như dự trữ bắt buộc, nghiệp vụ thị trường mở (OMO), lãi suất, công cụ tái cấp vốn, hay kể cả các công cụ mang tính hành chính.
Theo lý thuyết, chính sách tiền tệ được xem là công cụ quản lý kinh tế vĩ mô do NHTW thực hiện. Bằng cách NHTW tác động đến cung ứng tiền làm thay đổi cung ứng tiền để tác động đến lãi suất, từ đó ảnh hưởng đến chi tiêu của các khu vực nền kinh tế, cuối cùng chính sách tiền tệ có tác động quan trọng đến GDP thực, GDP tiềm năng và lạm phát.
Tuy nhiên, sự phát triển của thị trường tài chính ngày càng trở nên phức tạp, vai trò của chính sách tiền tệ không chỉ dừng lại ở kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, mà nó còn có vai trò quan trọng trong ổn định, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng. Do vậy, khi muốn tăng trưởng kinh tế chống suy thoái, NHTW có thể tăng cung tiền nhằm hạ lãi suất để thúc đẩy hoạt động kinh tế. Ngược lại, khi muốn hạn chế tăng trưởng kinh tế, giảm lạm phát NHTW đã tác động giảm cung tiền làm tăng lãi suất, giảm đầu tư.
Vấn đề cần hiểu rõ hơn là NHTW không thể đơn phương làm thay đổi tổng cầu và lạm phát của nền kinh tế khi thay đổi cung tiền và lãi suất, bởi cung tiền và lãi suất của NHTW không trực tiếp tác động đến tổng cầu và lạm phát. Tổng cầu và lạm phát chỉ thay đổi khi có sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng. Các ngân hàng thương mại có vai trò quan trọng trong việc làm thay đổi hành vi tiêu dùng khi NHTW thay đổi cung tiền, lãi suất và tỷ giá.
Thông thường những tín hiệu chính sách từ NHTW sẽ có tác động đến hành vi của các ngân hàng thương mại. Hay nói một cách ngắn gọn, ngân hàng thương mại là khâu quan trọng trong việc chuyển tải chính sách tiền tệ của NHTW đến hành vi của người tiêu dùng và là chủ thể tích cực tham gia thực thi chính sách tiền tệ của NHTW.
Để thực thi chính sách tiền tệ, ngân hàng trung ương thường sử dụng nhiều công cụ chính sách khác nhau, trong đó tập trung vào các chính sách chủ yếu như dự trữ bắt buộc, nghiệp vụ thị trường mở (OMO), lãi suất, công cụ tái cấp vốn, hay kể cả các công cụ mang tính hành chính.
Dự trữ bắt buộc là phần tiền gửi của khách hàng tính theo một tỷ lệ nhất định do ngân hàng trung ương quy định mà các ngân hàng thương mại phải dự trữ lại và không được
sử dụng để cho vay ra nền kinh tế. Dự trữ bắt buộc không đơn thuần là công cụ nhằm đảm bảo thanh khoản cho ngân hàng mà quan trọng hơn đó chính là công cụ để ngân hàng trung ương tác động đến khối tiền của nền kinh tế thông qua số nhân tiền tệ. Số nhân tiền tệ sẽ tỷ lệ nghịch với tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Điều này có nghĩa là, khi tỷ lệ dự trữ bắt buộc tăng lên thì độ lớn của số nhân tiền tệ sẽ giảm đi và ngược lại. Khi đó, nếu ngân hàng trung ương muốn mở rộng chính sách tiền tệ thì ngân hàng trung ương không nhất thiết phải in thêm tiền và cung ứng ra nền kinh tế mà chỉ cần giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc xuống. Ngược lại, khi ngân hàng trung ương muốn thu hẹp chính sách tiền tệ thì chỉ cần tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc lên. Mặt khác khi tăng (giảm) tỷ lệ dự trữ bắt buộc thì khả năng cho vay của các ngân hàng thương mại giảm (tăng), làm cho lãi suất cho vay tăng (giảm), từ đó làm cho lượng cung ứng tiền giảm (tăng).
Ngân hàng trung ương cũng có thể sử dụng nghiệp vụ thị trường mở (OMO) để tác động lên cơ sở tiền của nền kinh tế. Nghiệp vụ thị trường mở là nghiệp vụ mua hoặc bán các giấy tờ có giá ngắn hạn, chẳng hạn như tín phiếu Kho bạc (T-Bills) của ngân hàng trung ương với các ngân hàng thương mại. Theo đó, nếu muốn mở rộng chính sách tiền tệ, ngân hàng trung ương sẽ mua vào các giấy tờ có giá ngắn hạn và từ đó các ngân hàng thương mại sẽ nhận được tiền thanh toán trái phiếu từ ngân hàng trung ương. Khoản tiền thanh toán này sau đó sẽ trở thành khoản dự vốn mà các ngân hàng thương mại có thể sử dụng để cho vay ra nền kinh tế và nhờ đó làm tăng khối tiền của nền kinh tế. Ngược lại, nếu muốn thắt chặt chính sách tiền tệ, ngân hàng trung ương sẽ bán ngược trở lại các giấy tờ có giá cho các ngân hàng thương mại. Chúng ta cũng cần lưu ý rằng, giấy tờ có giá ngắn hạn mà ngân hàng trung ương giao dịch trên OMO thường là tín phiếu kho bạc hay trái phiếu chính phủ. Đôi khi các ngân hàng trung ương, như trường hợp Việt Nam trong năm 2008, cũng tự phát hành tín phiếu của bản thân để hút tiền ra khỏi lưu thông thay vì bán tín phiếu kho bạc mà ngân hàng trung ương đang nắm giữ.
Ngoài công cụ dự trữ bắt buộc hay OMO, ngân hàng trung ương cũng có thể sử dụng công cụ lãi suất tái chiết khấu hay lãi suất tái cấp vốn để can thiệp đến cung tiền của nền kinh tế. Chúng ta biết rằng, tái cấp vốn là việc ngân hàng trung ương sẽ tái cho vay lại các ngân hàng thương mại khi có nhu cầu thanh khoản hay vốn khả dụng nhằm đáp ứng một nhu cầu tài chính ngắn hạn nào đó. Việc cho vay lại này của ngân hàng trung ương sẽ cần phải sử dụng một công cụ lãi suất để định giá khoản cho vay đó và người ta gọi đó là lãi suất tái cấp vốn. Lãi suất tái chiết khấu là một dạng của lãi suất tái cấp vốn, qua đó ngân hàng sẽ sử dụng lãi suất này để tái chiết khấu (tạm hiểu là để định giá) các giấy tờ có giá khi các ngân hàng thương mại bán cho ngân hàng trung ương. Chính sách tái chiết khấu giúp ngân hàng trung ương thực hiện vai trò là người cho vay cuối cùng đối với các ngân hàng thương mại khi các ngân hàng thương mại gặp khó khăn trong thanh toán và có thế kiểm soát được hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại đồng thời có thể tác động tới việc điều chỉnh cơ cấu đầu tư đối với nền kinh tế thông qua việc ưu đãi tín dụng vào các lĩnh vực cụ thể. Tuy vậy, hiệu qủa của cộng cụ này còn phụ thuộc vào hoạt động cho vay của các ngân hàng thương mại. Chúng ta thấy rằng, công cụ tái cấp vốn chỉ có tác động một chiều lên khối tiền của nền kinh tế so với công cụ dự trữ bắt buộc hay OMO. Ngoài ra, ngân hàng trung ương cũng có thể sử dụng các biện pháp hành chính nhằm can thiệp trực tiếp lên hệ thống ngân hàng thương mại và khối tiền của nền kinh tế.
Bài viết chức năng của ngân hàng thương mại dành cho các bạn đang học kế toán thực hành mảng kế toán đầu tư tài chính

Ngoài tìm hiểu về các chức năng của ngân hàng thương mại thì bạn cần tìm hiểu: Bảng cân đối của ngân hàng thương mại là gì

dịch vụ báo cáo tài chính