Kế toán các khoản phải thu phải trả


Các khoản phải thu, phải trả là các khoản tất yếu phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh của bất kể doanh nghiệp nào, vấn đề đặt ra là cung cấp thông tin chính xác, tin cậy để quản lý tốt các khoản phải thu, phải trả. Bài học này nhằm trang bị cho người học những kiến thức về nguyên tắc kế toán, xác định nợ phải thu, nợ phải trả và phương pháp kế toán các khoản phải thu phải trả chủ yếu trong doanh nghiệp

Trong bài kế toán các khoản phải thu phải trả cung cấp cho người học kế toán các nội dung sau:

- Kế toán phải thu khách hàng;
- Kế toán thuế GTGT được khấu trừ;
- Kế toán các khoản phải thu khác;
- Kế toán dự phòng phải thu khó đòi;
- Kế toán thanh toán với người bán;
- Kế toán thanh toán với ngân sách nhà nước (thuế, phí, lệ phí).

Kế toán các khoản phải thu phải trả gồm

1. Kế toán các khoản phải thu

2. Kế toán các khoản phải trả

Nội dung của kế toán các khoản phải thu phải trả

1. Kế toán các khoản phải thu

Các khoản phải thu là khoản phát sinh trong  quan hệ thương mại, thanh toán, tài chính và là một bộ phận thuộc tài sản ngắn hạn bị chiếm dụng tạm thời.

1.1. Kế toán phải thu khách hàng;.

1.2. Kế toán thuế GTGT được khấu trừ.

1.3. Kế toán các khoản phải thu khác

1.4. Kế toán dự phòng phải thu khó đòi.

Chúng ta sẽ lần lượt đi từng khoản

           1.1. Kế toán phải thu khách hàng

Phải thu khách hàng là khoản phải thu  phát sinh khi doanh nghiệp đã cung cấp thành phẩm, hàng hóa và dịch vụ, đã  được khách hàng chấp nhận thanh toán  nhưng chưa thu được tiền.

Tài khoản kế toán: Tài khoản 131 – Phải  thu của khách hàng.

kế toán các khoản phải thu phải trả

Xem thêm cách hạch toán tài khoản phải thu của khách hàng các bạn xem tại: Sơ đồ chữ T tài khoản 131

Ví dụ: 

- Doanh nghiệp A trong kỳ có các tài liệu sau. Xuất kho thành phẩm bán chịu cho doanh nghiệp B với giá trị xuất kho 45.000.000 Giá bán (bao gồm cả thuế giá trị gia tăng 10%) là 66.000.000;

- Doanh nghiệp B trả lại 1/10 số hàng trên vì kém phẩm chất và thanh toán bằng tiền gửi ngân hàng số thực mua.

- Định khoản các nghiệp vụ phát sinh?

Trả lời:

Nghiệp vụ trên được định khoản như sau: 

(1) Xuất kho bán hàng chưa thu tiền:

- Phản ánh giá vốn:

Nợ TK 632: 45.000.000

  Có TK 155: 45.000.000

- Phản ánh doanh thu:

Nợ TK 131(B): 66.000.000

  Có TK 511: 60.000.000

  Có TK 3331: 6.000.000

(2) Phát sinh khoản hàng bán bị trả lại

- Nhập kho số thành phẩm bị trả lại:

Nợ TK 155: 4.500.000

  Có TK 632: 4.500.000

- Giảm phải thu về hàng bán bị trả lại:

Nợ TK 521: 6.000.000

Nợ TK 3331: 600.000

  Có TK 131(B) 6.600.000

- Số còn lại khách hàng thanh toán;

Nợ TK 112: 59.400.000

  Có TK 131: 59.400.000

Lưu ý:

TK 131 được mở cho từng khách hàng và có tính lưỡng tính do khách hàng trả tiền trước, mua hàng sau.

 Ví dụ:

Công ty MTP có 3 khách hàng là A, B, C, số dư hiện tại lần lượt là:

TK 131A: Dư 0 VND, TK 131B: dư nợ 300.000 VND, TK 131C: Dư nợ 100.000 VND.

Ngày 21/12/2021 khách hàng A chuyển khoản 500.000 VND trả tiền trước cho hợp đồng HD01 Số dư TK 131 tính đến ngày 21/12/2021 là:

TK 131 dư nợ: 400.000 VND

TK 131 dư có: 500.000 VND.

1.2. Kế toán thuế GTGT được khấu trừ.

Thuế GTGT là loại thuế tính trên giá trị tăng  thêm của vật tư, hàng hóa trong các quá  trình vận động từ sản xuất đến tiêu dùng. Thuế GTGT được khấu trừ chỉ áp dụng đối  với các doanh nghiệp tính thuế GTGT theo  phương pháp khấu trừ.

Thuế GTGT được khấu trừ là khoản thuế mà  doanh nghiệp đã hoặc sẽ thanh toán khi  được mua các yếu tố đầu vào để thực hiện  hoạt động sản xuất kinh doanh.

Để hiểu thêm về bản chất thuế GTGT xem thêm: Thuế giá trị gia tăng là gì

1.2.1. Tài khoản kế toán:

Tài khoản 133 “Thuế GTGT được khấu trừ”

Tài khoản 133 được chi tiết thành 2 tài khoản cấp 2:

Tài khoản 1331 - Thuế GTGT được khấu trừ của hàng hóa, dịch vụ

Tài khoản 1332 - Thuế GTGT được khấu trừ của tài sản cố định

kế toán các khoản phải thu phải trả

Phương pháp kế toán:

TH1: Trường hợp VAT đầu ra lớn hơn VAT đầu vào 

Nếu thuế GTGT đầu vào nhỏ hơn thuế GTGT đầu ra thì doanh nghiệp được khấu trừ toàn bộ thuế GTGT đầu vào

Hay nói cách khác:

Nếu Tổng thuế GTGT đầu vào  < Tổng thuế GTGT đầu ra = > Phải nộp thuế GTGT

kế toán các khoản phải thu phải trả

TH1: Trường hợp VAT đầu ra nhỏ hơn VAT đầu vào 

Nếu Tổng thuế GTGT đầu vào  > Tổng thuế GTGT đầu ra Thì số thuế GTGT đầu vào sẽ được khấu trừ sang kỳ sau, hoặc được hoàn thuế trong trường hợp đủ điều kiện hoàn thuế 

kế toán các khoản phải thu phải trả

Xem cách hạch toán các nghiệp vụ liên quan tới thuế gtgt được khấu trừ tại: Sơ đồ chữ T tài khoản 133
Để được khấu trừ thuế GTGT, doanh nghiệp cần đáp ứng đủ các điều kiện:
(1). Đăng ký với cơ quan thuế tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ (khi bán sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, doanh nghiệp phải phát hành hóa đơn GTGT)
(2). Khi mua tài sản, dịch vụ hoặc phát sinh chi phí, doanh nghiệp phải nhận được hóa đơn GTGT
(3). Tài sản, dịch vụ đã mua phải được sử dụng cho đối tượng thuộc diện chịu thuế GTGT, kể cả chịu thuế với thuế suất 0%
(4). Các giao dịch có giá trị từ 20.000.000 đồng trở lên phải có chứng từ thanh toán qua ngân hàng.
Chi tiết về cách tính thuế GTGT các bạn tham khảo tại: Căn cứ tính thuế giá trị gia tăng
 
1.3. Kế toán các khoản phải thu khác
Kế toán các khoản phải thu khác bao gồm:
- Tài sản thiếu chờ xử lý;
- Các khoản doanh nghiệp cho cá nhân trong và ngoài doanh nghiệp mượn tạm, vay tạm;
- Các khoản cho các đơn vị khác vay tạm, mượn tạm;
- Các khoản chi, trả hộ cho các đơn vị khác (ngoài tổng công ty);
- Thu nhập khác và thu nhập hoạt động tài chính chưa thu được;
- Các khoản chi trả hộ công nhân viên.
1.3.1. Tài khoản kế toán
Tài khoản 138 phải thu khác dùng để phản ánh các khoản nợ phải thu ngoài phạm vi đã phản ánh ở các tài khoản phải thu (TK 131, 136) và tình hình thanh toán các khoản nợ phải thu này
Tài khoản 138 - Phải thu khác, có 3 tài khoản cấp 2:
Tài khoản 1381 - Tài sản thiếu chờ xử lý;
Tài khoản 1385 - Phải thu về cổ phần hóa;
Tài khoản 1388 - Phải thu khác.
1.3.2. Phương pháp kế toán
kế toán các khoản phải thu phải trả
 
Xem thêm cách hạch toán các nghiệp vụ liên quan tới tài khoản phải thu khác tại: Sơ đồ chữ T tài khoản 138
Ví dụ
1. Tại công ty A trong kỳ có các nghiệp vụ sau. Vào thời điểm ngày 31/01/2021có kết quả kiểm kê quỹ như sau: Tiền mặt tồn quỹ thực tế là 152.000.000. Số dư tiền trên sổ là 155.000.000 số thiếu hụt 3.000.000 không xác định được nguyên nhân, thủ quỹ phải bồi thường.
2. Doanh nghiệp B trong kỳ có các nghiệp vụ sau. Mua nguyên vật liệu nhập kho với giá mua là 44.000.000(bao gồm cả thuế GTGT 10%) đã trả bằng tiền gửi ngân hàng nhưng khi nhập kho, thiếu 5.000.000 (theo giá chưa thuế) nhưng chưa rõ nguyên nhân.
Yêu cầu định khoản các nghiệp vụ phát sinh?
 
Trả lời:
1/ Nợ TK 1388: 3.000.000
Có TK 111: 3.000.000
2/ Nợ TK 152: 35.000.000
Nợ TK 133: 4.000.000
Nợ TK 1381: 5.000.000
Có TK 112: 44.000.000
 
1.4. Kế toán dự phòng phải thu khó đòi.
Là khoản dự phòng phần giá trị các khoản nợ phải thu và các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn khác có bản chất tương tự các khoản phải thu khó có khả năng thu hồi;
Dự phòng nợ phải thu khó đòi là khoản doanh nghiệp trích lập để:
Đề phòng các khoản phải thu bị thất thu khi khách hàng không có khả năng trả nợ;
Xác định giá trị thực của khoản tiền phải thu bị tồn trong thanh toán khi lập các  báo cáo tài chính.
Nguyên tắc lập dự phòng phải thu khó đòi
Doanh nghiệp trích lập dự phòng vào thời điểm lập BCTC với các khoản phải thu khó đòi khi:
- Nợ phải thu quá hạn thanh toán ghi trong hợp đồng kinh tế, các khế ước vay nợ,  bản cam kết hợp đồng hoặc cam kết nợ, doanh nghiệp đã đòi nhiều lần nhưng vẫn chưa  thu được. Việc xác định thời gian quá hạn của khoản nợ phải thu được xác định là  khó đòi phải trích lập dự phòng được căn cứ vào thời gian trả nợ gốc theo hợp đồng  mua, bán ban đầu, không tính đến việc gia hạn nợ giữa các bên;
- Nợ phải thu chưa đến thời hạn thanh toán nhưng khách nợ đã lâm vào tình trạng phá sản hoặc đang làm thủ tục giải thể, mất tích, bỏ trốn.

- Đối với những khoản phải thu khó đòi kéo dài trong nhiều năm, doanh nghiệp đã cố gắng  dùng mọi biện pháp để thu nợ nhưng vẫn không thu được nợ và xác định khách nợ thực sự  không có khả năng thanh toán thì doanh nghiệp có thể phải làm các thủ tục bán nợ cho  Công ty mua, bán nợ hoặc xoá những khoản nợ phải thu khó đòi trên sổ kế toán. Việc xoá  các khoản nợ phải thu khó đòi phải thực hiện theo quy định của pháp luật và điều lệ doanh  nghiệp. Số nợ này được theo dõi trong hệ thống quản trị của doanh nghiệp và trình bày  trong thuyết minh Báo cáo tài chính. Nếu sau khi đã xoá nợ, doanh nghiệp lại đòi được nợ  đã xử lý thì số nợ thu được sẽ hạch toán vào tài khoản 711 "Thu nhập khác".

Điều kiện lập dự phòng phải thu khó đòi
- Phải có chứng từ gốc hoặc giấy xác nhận của khách nợ về số tiền còn nợ chưa trả bao gồm:  Hợp đồng kinh tế, khế ước vay nợ, bản thanh lý hợp đồng, cam kết nợ, đối chiếu công nợ...;
- Mức trích lập dự phòng các khoản nợ phải thu khó đòi thực hiện theo quy định hiện hành;
- Các điều kiện khác theo quy định của pháp luật.
 
1.4.1. Tài khoản kế toán:

Tài khoản 229 - Dự phòng tổn thất tài sản có 4 tài khoản cấp 2

Tài khoản 2291 - Dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh

Tài khoản 2292 - Dự phòng tổn thất đầu tư vào đơn vị khác

Tài khoản 2293 - Dự phòng phải thu khó đòi

Tài khoản 2294 - Dự phòng giảm giá hàng tồn kho

kế toán các khoản phải thu phải trả

1.4.2. Phương pháp kế toán

Kế toán các khoản phải thu phải trả

Xem thêm cách hạch toán các nghiệp vụ liên quan tới tài khoản dự phòng tổn thất tài sản: Sơ đồ chữ T tài khoản 229

Ví dụ:
Cuối năm 2021, doanh nghiệp A có các tài liệu như sau: Hoàn nhập dự phòng nợ phải thu khó đòi năm 2020 là 30.000.000và lập dự phòng nợ phải thu khó đòi cho năm 2022 là 150.000.000
Định khoản các nghiệp vụ phát sinh ?
Các nghiệp vụ trên được định khoản như sau:
(1) Hoàn nhập dự phòng:
Nợ TK 229: 30.000.000
  Có TK 642: 30.000.000
(2) Lập dự phòng mới:
Nợ TK 642: 150.000.000
   Có TK 229: 150.000.000
 

2. Kế toán các khoản phải trả

Nợ phải trả bao gồm các khoản doanh nghiệp  đi vay và nợ các tổ chức, cá nhân;
Các mối quan hệ vay, nợ chủ yếu là các  quan hệ thanh toán giữa doanh nghiệp với  các tổ chức và cá nhân trong và ngoài  doanh nghiệp.
Kế toán các khoản phải trả bao gồm:
2.1.  Kế toán phải trả nhà cung cấp
2.2.  Kế toán thanh toán với Nhà nước
Chi tiết 2 khoản trên như sau:
 
2.1.  Kế toán phải trả nhà cung cấp
Phải trả người bán gồm các khoản phải trả  mang tính chất thương mại phát sinh từ giao  dịch mua hàng hóa, dịch vụ, tài sản và người  bán (là đơn vị độc lập với người mua, gồm cả  các khoản phải trả giữa công ty mẹ và công ty  con, công ty liên doanh, liên kết);
Gồm cả các khoản phải trả khi nhập khẩu  thông qua người nhận ủy thác (trong giao dịch  nhập khẩu ủy thác).
Tài khoản 331: Phải trả người bán
 
kế toán các khoản phải thu phải trả
 

Tài khoản này có thể có số dư bên Nợ. Số dư bên Nợ (nếu có) phản ánh số tiền đã ứng trước cho người bán hoặc số tiền đã trả nhiều hơn số phải trả cho người bán theo chi tiết của từng đối tượng cụ thể. Khi lập Bảng Cân đối kế toán, phải lấy số dư chi tiết của từng đối tượng phản ánh ở tài khoản này để ghi 2 chỉ tiêu bên “Tài sản” và bên “Nguồn vốn”.

Xem thêm các nghiệp vụ định khoản hạch toán của tài khoản phải trả người bán tại: Sơ đồ chữ T tài khoản 331

Ví dụ: 
Công ty MTP sản xuất bóng đèn chịu thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, thuế suất thuế GTGT 10%, trong kỳ có nghiệp vụ như sau:
1. Mua một số vật liệu x dùng để sản xuất bóng đèn theo giá thanh toán 110.000.000 (đã bao gồm cả thuế GTGT). Hàng đã kiểm nhận và nhập kho. Tiền hàng chưa thanh toán với người bán.
2. Thanh toán toàn bộ tiền hàng cho người bán bằng tiền gửi ngân hàng.
Định khoản các nghiệp vụ trên như sau
1. Nợ TK 152 (x): 100.000.000
    Nợ TK 1331: 10.000.000
      Có TK 331: 110.000.000
2. Nợ TK 331: 110.000.000
      Có TK 112: 110.000.000
 
2.2.  Kế toán thanh toán với Nhà nước
Tài khoản này dùng để phản ánh quan hệ giữa doanh nghiệp với Nhà nước về các khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản khác phải nộp, đã nộp, còn phải nộp vào Ngân sách Nhà nước trong kỳ kế toán năm.
Kế toán thanh toán với Nhà nước gồm các khoản sau:
- Thuế giá trị gia tăng (GTGT)
- Thuế thu nhập doanh nghiệp
- Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB)
- Thuế xuất - nhập khẩu (XNK)
-  Thuế thu nhập cá nhân (TNCN)
Tài khoản kế toán sử dụng: Tài khoản 333 “Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước”
Tài khoản 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước, có 9 tài khoản cấp 2:
TK 3331: Thuế GTGT phải nộp;
TK 3332: Thuế Tiêu thụ đặc biệt;
TK 3333: Thuế xuất, nhập khẩu;
TK 3334: Thuế thu nhập doanh nghiệp;
TK 3335: Thuế thu nhập cá nhân;
TK 3336: Thuế tài nguyên;
TK 3337: Thuế nhà đất, tiền thuê đất;
TK 3338: Thuế bảo vệ môi trường và các loại thuế khác;
TK 3339: Phí, lệ phí và các khoản phải nộp khác

Kế toán các khoản phải thu phải trả

Xem thêm chi tiết các nghiệp vụ kinh tế liên quan tới tài khoản 333 tại: Sơ đồ chữ T tài khoản 333

2.2.1. Thuế giá trị gia tăng (GTGT)

- Khái niệm thuế GTGT: Thuế GTGT là một loại thuế gián thu, đánh trên phần giá trị tăng thêm giữa các khâu sản xuất, trao đổi và lưu thông trong nền kinh tế.

- Căn cứ tính thuế: Để tính thuế GTGT cần dựa  vào giá mua, giá bán và thuế suất  thuế GTGT.

- Thuế suất: Hiện nay thuế GTGT có 3 mức thuế suất là 0%, 5% và 10%.

- Đối tượng chịu thuế: Sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được sản xuất, trao đổi và lưu thông trong nền kinh tế, ngoại trừ đối tượng không thuộc diện chịu thuế GTGT.

- Đối tượng nộp thuế: Tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh đối tượng chịu thuế.

- Phương pháp tính thuế: Hiện nay, thuế GTGT được tính theo 2 phương pháp là phương pháp khấu trừ và phương pháp trực tiếp.

+ Phương pháp khấu trừ:

Theo phương pháp khấu trừ, thuế GTGT phải nộp được tính bằng cách so sánh giữa thuế GTGT đầu ra và thuế GTGT đầu vào.

Thuế GTGT phải nộp = Thuế GTGT đầu ra - Thuế GTGT đầu vào

+ Phương pháp trực tiếp:

Theo phương pháp trực tiếp, thuế GTGT phải nộp được xác định bằng tích số giữa GTGT với thuế suất thuế GTGT.

Thuế GTGT phải nộp = (Giá bán ra có thuế GTGT - Giá mua vào có thuế GTGT) × Thuế suất thuế GTGT

Chi tiết về cách tính và phương pháp tính thuế GTGT đầu ra xem tại: Các phương pháp tính thuế GTGT

Tài khoản sử dụng: TK 3331 “Thuế GTGT phải nộp” để phản ánh số thuế GTGT phải nộp và tình hình nộp thuế GTGT

Tài khoản 3331 được chi tiết thành 2 tài khoản cấp 3:

+ Tài khoản 33311 - Thuế giá trị gia tăng đầu ra

+ Tài khoản 33312 - Thuế GTGT hàng nhập khẩu

kế toán các khoản phải thu phải trả

Ví dụ: 
- Doanh nghiệp mua vào 1 lô hàng theo giá mua là 110.000.000 (cả VAT 10%) chưa thanh toán cho người bán.
- Doanh nghiệp xuất kho toàn bộ số hàng nói trên bán cho khách hàng theo giá bán: 150.000.000 (chưa kể VAT 10%) đã thu bằng tiền gửi ngân hàng.
- Doanh nghiệp tính ra số thuế VAT phải nộp và dùng tiền gửi ngân hàng nộp đủ số thiếu phải nộp vào ngân sách.
1. Khi mua hàng:
Nợ TK 156: 100.000.000
Nợ TK 133: 10.000.000
  Có TK 331: 110.000.000
2. Khi xuất kho:
Nợ TK 112: 165.000.000
  Có TK 511: 150.000.000
  Có TK 3331: 15.000.000
3a. Khấu trừ VAT đầu vào:
Nợ TK 3331: 5.000.000
  Có TK 133: 5.000.000
3b. Khi nộp thuế:
Nợ TK 3331: 5.000.000
  Có TK 112: 5.000.000
 
2.2.2. Thuế tiêu thụ đặc biệt

Thuế tiêu thụ đặc biệt là sắc thuế gián thu đánh vào một số hàng hóa, dịch vụ đặc biệt nằm trong danh mục Nhà nước quy định. Thuế TTĐB được thu một lần vào khâu sản xuất, nhập khẩu hàng hóa hoặc kinh doanh dịch vụ.

Đối tượng chịu thuế: Đối tượng chịu thuế TTĐB là các sản phẩm, hàng hóa dịch vụ mang tính cao cấp, đắt tiền, việc sản xuất, tiêu dùng chúng có thể ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe, môi trường, thuần phong mỹ tục. Đối tượng chịu thuế TTĐB bao gồm: Xe ô tô dưới 24 chỗ ngồi, rượu, bia, thuốc lá, bài lá, hàng mã, mô tô, tàu bay, du thuyền, điều hoà nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống, kinh doanh vũ trường, kinh doanh massage, kinh doanh karaoke, kinh doanh xổ số, kinh doanh golf…

Cơ sở tính thuế: Thuế TTĐB được tính trên cơ sở Giá tính thuế TTĐB và Thuế suất thuế TTĐB.
Phương pháp tính thuế: Thuế TTĐB phải nộp được tính theo công thức: Thuế TTĐB phải nộp = Giá tính thuế TTĐB x Thuế suất thuế TTĐB 
Xem thêm về đặc điểm và các tính thuế TTĐB tại: Cách tính thuế tiêu thụ đăc biệt
Tài khoản kế toán
Tài khoản thuế tiêu thụ đăc biệt:  Tài khoản 3332 “Thuế TTĐB”
kế toán các khoản phải thu phải trả
 
Phương pháp kế toán:
- Khi nhập khẩu hàng hóa, vật tư, tài sản thuộc diện chịu tiêu thụ đặc biệt, số thuế phải nộp được ghi tăng trị giá vật tư, hàng hóa, tài sản:
Nợ TK liên quan (151, 152, 153, 156, 211, …): Tăng giá thực tế vật tư, hàng hóa, tài sản
Có TK 333 (3332): Thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp khâu nhập khẩu
 
- Khi bán hàng hóa, dịch vụ:
+ Khi bán hàng thuộc diện phải kê khai, nộp thuế tiêu thụ đặc biệt
Nợ TK liên quan (1368, 111, 112…): Tổng giá thanh toán của hàng hóa, dịch vụ tiêu thụ
  Có TK 511: Doanh thu tiêu thụ (giá bán có thuế tiêu thụ đặc biệt, không có thuế GTGT)
  Có TK 3331 (33311): Thuế GTGT phải nộp.
Đồng thời, phản ánh số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp thuế về hàng hóa, vật tư đã tiêu thụ:
Nợ TK liên quan (511): Giảm doanh thu tiêu thụ
   Có TK 333 (3332): Số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp về hàng hoá, dịch vụ tiêu thụ
+ Khi nộp thuế tiêu thụ đặc biệt cho ngân sách, căn cứ vào chứng từ nộp thuế, ghi:
 Nợ TK 333 (3332): Số thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp 
    Có TK liên quan (111, 112,…).
 
2.2.3. Thuế xuất nhập khẩu
Những vấn đề chung về thuế XNK:
- Khái niệm: Thuế XNK là sắc thuế gián thu, đánh vào hàng hóa xuất khẩu hoặc nhập khẩu trong quan hệ thương mại quốc tế. Thuế XNK gắn liền với hoạt động ngoại thương và chịu ảnh hưởng trực tiếp của các yếu tố mang tính quốc tế.
Xem thêm đặc điểm của thuế XNK: Thuế xuất nhập khẩu là gì
- Đối tượng chịu thuế: Theo quy định hiện hành, đối tượng chịu thuế XNK bao gồm: Hàng hóa XNK qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam; Hàng hóa xuất khẩu từ thị trường trong nước vào khu phi thuế quan, hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước; hàng hóa XNK tại chỗ và hàng hóa XNK của doanh nghiệp thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối.
- Đối tượng không chịu thuế: Theo quy định hiện hành, đối tượng không chịu thuế XNK bao gồm: Hàng hóa quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển; Hàng hóa viện trợ nhân đạo, hàng hóa viện trợ không hoàn lại; Hàng hóa xuất khẩu từ khu phi thuế quan ra nước ngoài; hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan; hàng hóa chuyển từ khu phi thuế quan này sang khu phi thuế quan khác và Phần dầu khí được dùng để trả thuế tài nguyên cho Nhà nước khi xuất khẩu.
 
Phương pháp tính thuế:
- Đối với hàng hóa áp dụng theo tỷ lệ %: Thuế XNK phải nộp được xác định theo công thức:
Thuế XNK phải nộp = Số lượng hàng hóa XNK × Giá tính thuế đơn vị hàng hóa × Thuế suất thuế XNK × Tỷ giá hối đoái
- Đối với hàng hóa áp dụng thuế tuyệt đối: Thuế XNK phải nộp được tính theo công thức:
Thuế XNK phải nộp = Số lượng hàng hóa XNK × Mức thuế tuyệt đối đơn vị hàng hóa xuất nhập khẩu

Tài khoản sử dụng: Tài khoản 3333 “Thuế XNK”

kế toán các khoản phải thu phải trả

Phương pháp kế toán:

- Khi xuất khẩu hàng hóa, bên cạnh việc ghi nhận doanh thu, kế toán phản ánh số thuế xuất khẩu phải nộp:
Nợ TK 511: Giảm doanh thu hàng xuất khẩu
  Có TK 333 (3333 - Thuế xuất khẩu): Thuế xuất khẩu phải nộp
- Khi nhập khẩu, số thuế nhập khẩu phải nộp được ghi tăng giá trị vật tư, hàng hóa, tài sản  bằng bút toán:
Nợ TK liên quan (151, 152, 153, 156, 211, 611, …): Tăng giá trị hàng nhập khẩu
  Có TK 333 (3333 - Thuế nhập khẩu): Số thuế nhập khẩu phải nộp
- Khi nộp thuế xuất, nhập khẩu, kế toán ghi nhận số thuế đã nộp:
Nợ TK 333 (3333 – Chi tiết thuế xuất, nhập khẩu)
  Có TK liên quan (111, 112,…)
 
2.2.4. Thuế thu nhập doanh nghiệp
Thuế TNDN là loại thuế trực thu đánh trên phần thu nhập sau khi trừ đi các khoản chi phí hợp lý, hợp pháp liên quan đến thu nhập của doanh nghiệp. Thuế TNDN phụ thuộc vào kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của đối tượng nộp thuế.
Đối tượng nộp thuế: Đối tượng nộp thuế TNDN bao gồm: Tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ có thu nhập chịu thuế; Các loại hình doanh nghiệp; Các đơn vị sự nghiệp có sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập; Các tổ chức được thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã; Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài có cơ sở thuờng trú tại Việt Nam (cơ sở thường trú của doanh nghiệp nước ngoài là cơ sở sản xuất, kinh doanh mà thông qua cơ sở này, doanh nghiệp nước ngoài tiến hành một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam mang lại thu nhập).
- Phương pháp tính thuế: Thuế TNDN phải nộp được tính theo các công thức sau:
Thuế TNDN phải nộp = (Thu nhập tính thuế - Phần trích lập Quỹ KH và CN) × Thuế suất thuế TNDN
Trong đó:
Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế - Thu nhập được miễn thuế - Khoản lỗ được kết chuyển theo quy định
Thu nhập chịu thuế = Doanh thu - Chi phí được trừ + Thu nhập khác
- Thuế suất thuế TNDN: Thuế suất thuế TNDN hiện hành là 20%, trừ hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí tại Việt Nam có thuế suất từ 32% đến 50%; 
Tài khoản kế toán: Tài khoản 3334 “Thuế TNDN” 
kế toán các khoản phải thu phải trả
 
Ví dụ:
Tại doanh nghiệp sản xuất kinh doanh MTP trong kỳ có các nghiệp vụ kinh tế phát sinh như sau:
Thuế thu nhập tạm phải nộp trong kỳ 300.000.000
Doanh nghiệp chuyển khoản nộp số thuế tạm tính trong kỳ, số tiền 300.000.000
Định khoản
1) Thuế thu nhập tạm nộp:
Nợ TK 821: 300.000.000
  Có TK 3334: 300.000.000
2) Doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp
Nợ TK 3334: 300.000.000
   Có TK 111: 300.000.000

2.2.5. Thuế thu nhập cá nhân

Những vấn đề chung về thuế TNCN:

- Khái niệm: Thuế TNCN là sắc thuế trực thu, đánh vào thu nhập chịu thuế trong kỳ của các cá nhân. Thuế TNCN có độ nhạy cảm cao, thường mang tính lũy tiến cao và không bóp méo giá cả hàng hóa, dịch vụ.

- Đối tượng nộp thuế: Đối với cá nhân cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi trả thu nhập. Đối với cá nhân không cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh tại Việt Nam, không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập.

- Thu nhập chịu thuế: Thu nhập chịu thuế là thu nhập đối với người có thu nhập cao gồm: thu nhập thường xuyên và thu nhập không thường xuyên. Thu nhập thường xuyên bao gồm: Thu nhập từ kinh doanh; Thu nhập từ tiền lương, tiền công và Thu nhập từ vốn đầu tư. Thu nhập không thường xuyên gồm các loại: Thu nhập từ  chuyển nhượng vốn; Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản; Thu nhập từ trúng thưởng trên 10 triệu đồng; Thu nhập từ bản quyền; Thu nhập từ nhượng quyền thương mại; Thu nhập từ nhận thừa kế và Thu nhập từ nhận quà tặng.

Phương pháp tính thuế: Thuế TNCN được tính dựa trên thu nhập tính thuế và thuế suất.

- hu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công:

Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế - Các khoản bảo hiểm bắt buộc - Giảm trừ gia cảnh - Khoản đóng góp vào quỹ từ thiện, nhân đạo, khuyến học

Trong công thức trên, các khoản bảo hiểm bắt buộc thực hiện theo Luật BHXH, Luật Lao động. Giảm trừ gia cảnh hiện hành đối với người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng, người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

- Thu nhập tính thuế từ kinh doanh:

Thu nhập tính thuế = Doanh thu - Chi phí hợp lý

- Thuế suất đối với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công:  Căn cứ biểu thuế lũy tiến: Nếu thu nhập tính thuế/tháng đến 5 triệu đồng thì thuế suất áp dụng 5%; Trên 5-10 triệu đồng thuế suất 10%; Trên 10-18 triệu đồng thuế suất 15%; Trên 18-32 triệu đồng thuế suất 20%; Trên 32-52 triệu đồng thuế suất 25%; Trên 52-80 triệu đồng thuế suất 30% và trên 80 triệu đồng thuế suất 35%.

Xem thêm: Cách tính thuế thu nhập cá nhân

Tài khoản kế toán:

kế toán các khoản phải thu phải trả

Phương pháp kế toán:

- Hàng tháng, khi xác định số thuế thu nhập cá nhân phải nộp tính trên thu nhập chịu thuế  của người lao động, ghi:

Nợ TK 334: Giảm số tiền phải trả cho người lao động
 Có TK 333 (3335): Số thuế thu nhập cá nhân thu hộ Nhà nước.
 
- Khi chi trả thu nhập cho các cá nhân bên ngoài, kế toán phải xác định số thuế thu nhập cá  nhân phải nộp tính trên thu nhập không thường xuyên chịu thuế theo từng lần phát sinh thu  nhập phải khấu trừ, kế toán ghi:
Nợ TK liên quan (623, 627, 641, 642, 4311,…): Tổng số tiền phải trả cho lao động bên ngoài
 Có TK 333 (3335): Số thuế thu nhập cá nhân phải khấu trừ
 Có TK 111, 112, …: Số tiền thực trả ngay cho lao động thuê ngoài.
 
- Cuối kỳ, kế toán xác định số thù lao được hưởng do thu hộ thuế thu nhập cá nhân  (nếu có), ghi:
Nợ TK 333 (3335): Số thuế thu nhập cá nhân phải nộp  
 Có TK 711: Tăng thu nhập khác.
 
- Khi nộp thuế thu nhập cá nhân cho ngân sách, kế toán ghi:  
Nợ TK 333 (3335): Số thuế thu nhập cá nhân đã nộp
 Có TK liên quan (111, 112, …): Số tiền đã nộp.
 
2.2.6. Kế toán các khoản thanh toán khác với ngân sách
1. Khi phát sinh các khoản thanh toán với ngân sách, căn cứ vào chứng từ liên quan, kế toán ghi:
- Số thuế tài nguyên phải nộp:
Nợ TK 627 (6278): Tăng chi phí sản xuất chung
  Có TK 333 (3336): Số thuế tài nguyên phải nộp.
- Số thuế nhà đất, tiền thuê đất phải nộp:
Nợ TK 642 (6425): Tăng chi phí quản lý doanh nghiệp
  Có TK 333 (3337): Số thuế nhà đất, tiền thuế đất phải nộp.
- Lệ phí môn bài phải nộp:
Nợ TK 642 (6425): Tăng chi phí quản lý doanh nghiệp
  Có TK 333 (33382 - Thuế môn bài): Số thuế môn bài phải nộp.
Số phí, lệ phí khác phải nộp:
Nợ TK 642 (6425): Tăng chi phí quản lý doanh nghiệp
  Có TK 333 (3339 – Chi tiết từng loại): Số phí, lệ phí phải nộp.
 
2. Khi nộp các khoản thuế, phí, lệ phí cho Nhà nước, căn cứ vào các chứng từ liên quan, kế toán ghi:
Nợ TK 333 (chi tiết từng loại): Số thuế, phí, lệ phí từng loại đã nộp cho Nhà nước
   Có TK liên quan (111, 112, 311,…).
 
Trên là bài viết tổng hợp tất cả các khoản kế toán các khoản phải thu phải trả, để luyện được các dạng bài này đỏi hỏi người học kế toán thực hành cần nắm vững bản chất từng phương pháp kế toán và luyện các dạng bài tập để nắm vững hơn tham khảo thêm: Bài tập kế toán các khoản phải thu phải trả
dịch vụ báo cáo tài chính