Kế toán các khoản thiệt hại trong sản xuất
Kế toán các khoản thiệt hại trong sản xuất theo thông tư 200 sử dụng những tài khoản nào ? bao gồm các trường hợp nào thường xảy ra trong quá trình sản xuất sản phẩm
Kế toán các khoản thiệt hại trong sản xuất theo thông tư 200
1. Kế toán thiệt hại về sản phẩm hỏng
Sản phẩm hỏng là những sản phẩm không thoả mãn các tiêu chuẩn chất lượng và đặc điểm kỹ thuật đã quy định…
- Phân loại
Tùy theo mức độ hư hỏng mà sản phẩm hỏng được chia làm 2 loại:
+ Sản phẩm hỏng có thể sửa chữa được: là những sản phẩm hỏng về mặt kỹ thuật có thể sửa chữa được và việc sửa chữa đó có lợi về mặt kinh tế.
+ Sản phẩm hỏng không thể sửa chữa được: là những sản phẩm hỏng mà về mặt kỹ thuật không thể sửa chữa được hoặc có thể sửa chữa được nhưng không có lợi về mặt kinh tế.
Trong quan hệ với công tác kế hoạch, cả hai loại sản phẩm hỏng nói trên được chi tiết thành sản phẩm hỏng trong định mức và sản phẩm hỏng ngoài định mức.
+ Những sản phẩm hỏng mà doanh nghiệp dự kiến sẽ xảy ra trong quá trình sản xuất được coi là hỏng trong định mức. Đây là những sản phẩm hỏng được xem là không tránh khỏi trong quá trình sản xuất nên phần chi phí được gọi là chi phí sản xuất chính phẩm. Sở dĩ phần lớn doanh nghiệp chấp nhận một tỷ lệ sản phẩm hỏng vì họ không muốn tốn thêm chi phí để hạn chế hoàn toàn sản phẩm hỏng do việc bỏ thêm chi phí này tốn kém nhiều hơn việc chấp nhận một tỷ lệ tối thiểu về sản phẩm hỏng.
+ Khác với sản phẩm hỏng trong định mức, sản phẩm hỏng ngoài định mức là những sản phẩm hỏng nằm ngoài dự kiến của nhà sản xuất do nguyên nhân chủ quan (do lơ là, thiếu trách nhiệm của công nhân…) do khách quan (máy hỏng đột xuất…). Thiệt hại của chúng không được cộng vào chi phí sản xuất chính phẩm mà thường được xem là khoản phí tổn thời kỳ phải trừ vào thu nhập (sau khi trừ các khoản thu hồi, bồi thường nếu có). Vì thế, cần thiết phải hạch toán riêng giá trị thiệt hại của những sản phẩm hỏng ngoài định mức và xem xét từng nguyên nhân gây ra sản phẩm hỏng để có biện pháp xử lý.
Tài khoản kế toán
Kế toán sử dụng tài khoản 138 “Phải thu khác” để theo dõi riêng toàn bộ thiệt hại do sản phẩm hỏng ngoài định mức gây ra, sau khi đã trừ đi số phế liệu thu hồi và bồi thường, thiệt hại thực về sản phẩm hỏng sẽ được tính vào dự phòng tài chính hay giá vốn hàng bán hoặc tính vào chi phí khác…
- Trình tự ghi sổ một số nghiệp vụ kế toán chủ yếu
(1) Tập hợp chi phí sửa chữa sản phẩm hỏng có thể sửa chữa được, kế toán ghi:
Nợ TK 138 (1381): Tập hợp chi phí sửa chữa sản phẩm hỏng
Có TK 152, 153, 241, 334, 338…: Chi phí sửa chữa sản phẩm hỏng có thể sửa chữa được thực tế phát sinh.
(2) Tập hợp giá trị sản phẩm hỏng không sửa chữa được, kế toán ghi:
Nợ TK 138 (1381): Tập hợp giá trị sản phẩm hỏng không sửa chữa được Có TK 154 : Giá trị sản phẩm hỏng trên dây chuyền sản xuất
Có TK 155: Giá trị sản phẩm hỏng ở kho thành phẩm
Có TK 157: Giá trị sản phẩm hỏng trong quá trình gửi bán, ký gửi, đại lý Có TK 632: Giá trị sản phẩm hỏng trong thời gian bảo hành.
(3) Phản ánh giá trị phế liệu thu hồi và khoản bồi thường của người gây ra sản phẩm hỏng (nếu có), kế toán ghi:
Nợ TK 152, 111, 112, 1388, 334...: Giá trị thu hồi hay bồi thường của người phạm lỗi.
Có TK 138 (1381): Ghi giảm giá trị thiệt hại về sản phẩm hỏng ngoài định mức.
(4) Kết chuyển số thiệt hại thực về sản phẩm hỏng ngoài định mức, kế toán ghi:
Nợ TK 632, 811: Ghi tăng giá vốn hàng bán hoặc tăng chi phí khác.
Có TK 138 (1381): Kết chuyển thiệt hại về sản phẩm hỏng ngoài định mức. Trình tự ghi sổ một số nghiệp vụ kế toán chủ yếu của tài khoản 138 được thể hiện ở sơ đồ sau:
2. Kế toán thiệt hại về ngừng sản xuất
Trong thời gian ngừng sản xuất vì những nguyên nhân khách quan hoặc chủ quan, doanh nghiệp vẫn phải bỏ ra một số khoản chi phí để duy trì hoạt động như tiền công lao động, khấu hao tài sản cố định, chi phí bảo dưỡng… Những khoản chi phí chi ra trong thời gian này được coi là thiệt hại về ngừng sản xuất.
- Tài khoản kế toán:
Với những khoản chi phí về ngừng sản xuất theo kế hoạch dự kiến, kế toán đã theo dõi ở tài khoản 335 “Chi phí phải trả”.
Trong trường hợp ngừng sản xuất bất thường, các chi phí bỏ ra trong thời gian này do không được chấp nhận nên phải theo dõi riêng trên tài khoản 1381 (chi tiết về thiệt hại do ngừng sản xuất) tương tự như kế toán sản phẩm hỏng ngoài định mức nói trên.
Cuối kỳ, sau khi đã trừ đi phần thu hồi (nếu có), giá trị thiệt hại thực tế sẽ được tính vào quỹ dự phòng tài chính hay vào giá vốn hàng bán hoặc tính vào chi phí khác…
- Trình tự ghi sổ một số nghiệp vụ kế toán chủ yếu
(1) Tập hợp chi phí phát sinh trong thời gian ngừng sản xuất ngoài kế hoạch, kế toán ghi:
Nợ TK 138 (1381): Tập hợp chi phí phát sinh trong thời gian ngừng sản xuất
Có TK 241, 152, 334, 338...: Chi phí phát sinh trong thời gian ngừng sản xuất ngoài kế hoạch.
(2) Phản ánh khoản bồi thường của người gây ra ngừng sản xuất (nếu có), kế toán ghi:
Nợ TK 1388, 334, 111…: Giá trị bồi thường
Có TK 138 (1388): Ghi giảm thiệt hại về ngừng sản xuất ngoài kế hoạch.
(3) Xử lý khoản thiệt hại về ngừng sản xuất ngoài kế hoạch, căn cứ vào quyết định kế toán ghi:
Nợ TK 632, 811...: Ghi tăng giá vốn hàng bán hoặc chi phí khác
Có TK 138 (1388): Kết chuyển số thiệt hại thực tế ngừng sản xuất ngoài kế hoạch.
Trên là bài viết kế toán các khoản thiệt hại trong sản xuất, nếu bạn muốn học kế toán sản xuất thì nên lựa chọn khóa học kế toán online 1 kèm 1 trên chứng từ gốc của doanh nghiệp bạn, học thực hành thực chiến mới đem lại hiệu quả nhất bởi đội ngũ kế toán trưởng chuyên làm dịch vụ làm báo cáo tài chính cho các doanh nghiệp sản xuất sẽ trực tuyến đào tạo ultraview trên máy của bạn
Ngoài tìm hiểu về kế toán và các khoản thiệt hại trong sản xuất thì bạn cần quan tâm tới: Kế toán chi phí sản xuất kinh doanh dở dang