Nội dung cơ bản của luật quản lý thuế


Nội dung cơ bản của luật quản lý thuế gồm quyền chủ thể nộp thuế, nghĩa vụ chủ thể nộp thuế, quyền hạn của cơ quan quản lý thế, trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế, nọi dung quản lý thuế

nội dung cơ bản của luật quản lý thuế

Các văn bản về quản lý thuế

Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006;

Luật 106/2016/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thuế giá trị gia tăng, luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế.

Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế.

Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/01/2013 hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế và Nghị định 83/2013/NĐ-CP;

Thông tư số 119/TT-BTC ngày 25/8/2014.

Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/06/2019 - Hiện nay chúng ta nghiên cứu và áp dụng luật này

Quyền của chủ thể nộp thuế

- Được hướng dẫn thực hiện việc nộp thuế, cung cấp thông tin, tài liệu để thực hiện nghĩa vụ, quyền lợi về thuế;

- Yêu cầu cơ quan quản lý thuế giải thích về việc tính thuế, ấn định thuế, yêu cầu cơ quan, tổ chức giám định số lượng, chất lượng, chủng loại hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu;

- Được giữ bí mật thông tin theo quy định của pháp luật;

- Hưởng các ưu đãi về thuế, hoàn thuế theo quy định của pháp luật về thuế;

- Ký hợp đồng với tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế;23

- Nhận văn bản kết luận kiểm tra, thanh tra thuế của cơ quan quản lý thuế, yêu cầu giải thích nội dung kết luận kiểm tra, thanh tra thuế, bảo lưu ý kiến trong biên bản kiểm tra thuế, thanh tra thuế;

- Được bồi thường thiệt hại do cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế gây ra theo quy định của pháp luật;

- Yêu cầu cơ quan quản lý thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của mình;

- Khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính liên quan đến quyền và lợi ích

Ví dụ:

Công ty TNHH MTP bán sản phẩm phần mềm cho công ty cổ phần đầu tư Bích San. Kế toán của công ty MTP chưa nắm được cách viết hóa đơn đối với sản phẩm này. Để thực hiện đúng qui định, kế toán công ty có những cách thức nào để có được câu trả lời

Kế toán có thể:

1. Hỏi bộ phận hỗ trợ tuyên truyền.

2. Gửi công văn tới cơ quan thuế đề nghị hướng dẫn thực hiện.

3. Gửi thư điện tử theo địa chỉ support

Nghĩa vụ của chủ thể nộp thuế

- Đăng ký thuế, sử dụng mã số thuế;

- Khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng thời hạn, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế;

- Nộp tiền thuế đầy đủ, đúng thời hạn, đúng địa điểm;

- Chấp hành chế độ kế toán, thống kê và quản lý, sử dụng hoá đơn, chứng từ theo quy định;

- Ghi chép chính xác, trung thực, đầy đủ những hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế, khấu trừ thuế và giao dịch phải kê khai thông tin về thuế;

- Lập và giao hoá đơn, chứng từ cho người mua theo đúng số lượng, chủng loại, giá trị thực thanh toán khi bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật;

- Cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế, số hiệu và nội dung giao dịch của tài khoản mở tại ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác; giải thích việc tính thuế, khai thuế, nộp thuế theo yêu cầu của cơ quanquản lý thuế;

- Chấp hành quyết định, thông báo, yêu cầu của cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế theo quy định;

- Chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định trong trường hợp người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền thay mặt người nộp thuế thực hiện thủ tục về thuế sai quy định;

- Trường hợp người nộp thuế là tổ chức kinh doanh tại địa bàn có cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin phải thực hiện kê khai, nộp thuế, giao dịch với cơ quan quản lý thuế thông qua phương tiện điện tử theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử

Quyền hạn của cơ quan quản lý thuế

- Yêu cầu người nộp thuế cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế, số hiệu, nội dung giao dịch của các tài khoản được mở tại ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác và giải  thích việc tính thuế, khai thuế, nộp thuế;

- Yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế và phối hợp với cơ quan quản lý thuế để thực hiện pháp luật về thuế;

- Kiểm tra thuế, thanh tra thuế

- Ấn định thuế

- Cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về thuế;

- Xử phạt vi phạm pháp luật về thuế theo thẩm quyền, công khai trên phương tiện thông tin đại chúngcác trường hợp vi phạm pháp luật về thuế.

- Áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử lý vi phạm pháp luật về thuế theo quy định của phápluật.

- Ủy nhiệm cho cơ quan, tổ chức, cá nhân thu một số loại thuế vào ngân sách nhà nước theo quy định của cơ quan có thẩm quyền

Trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế

- Tổ chức thực hiện thu thuế theo quy định;

- Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật, công khai các thủ tục về thuế;

- Giải thích, cung cấp thông tin liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế, công khai mức thuế phải nộp của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh trên địa bàn xã, phường, thị trấn;

- Giữ bí mật thông tin của người nộp thuế theo quy định của Luật này;

- Thực hiện việc miễn thuế, giảm thuế, xoá nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt, hoàn thuế theo quy định;

- Xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế khi có đề nghị theo quy định của pháp luật;

- Giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc thực hiện pháp luật về thuế theo thẩm quyền;

- Giao kết luận, biên bản kiểm tra thuế, thanh tra thuế cho đối tượng kiểm tra thuế, thanh tra thuế và giải thích khi có yêu cầu;

- Bồi thường thiệt hại cho người nộp thuế theo quy định của Luật này;

- Giám định để xác định số thuế phải nộp của người nộp thuế theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền

Nội dung quản lý thuế

1. Đăng ký thuế

Đăng ký thuế là việc người nộp thuế kê khai những thông tin của người nộp thuế theo mẫu quy định và nộp tờ khai cho cơ quan quản lý thuế để bắt đầu thực hiện nghĩa vụ về thuế với Nhà nước theo các qui định

2. Kê khai thuế

Kê khai thuế là việc người nộp thuế trình bày các số liệu, hồ sơ liên quan đến nghĩa vụ thuế của người nộp thuế cho cơ quan quản lý thuế

2.1. Kỳ kê khai thuế

Kỳ kê khai, tính thuế là khoảng thời gian để xác định số tiền thuế phải nộp ngân sách Nhà nước theo quy đinh của pháp luật về thuế:

+ Kê khai theo tháng: Áp dụng đối với thuế giá trị gia tăng ( trừ các trường hợp khai theo quý), thuế thu nhập cá nhân thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên;

+ Kê khai theo quý: Áp dụng với thuế giá trị gia tăng;

+ Kê khai theo năm: Áp dụng với thuế thu nhập cá nhân đối với tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú, thuế thu nhập doanh nghiệp;

+ Kê khai theo từng lần phát sinh: Áp dụng đối với thuế xuất khẩu, nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt của hàng nhập khẩu, thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ đầu tư vốn; thu nhập từ chuyển nhượng vốn; thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản; thu nhập từ trúng thưởng; thu nhập từ bản quyền; thu nhập từ nhượng quyền thương mại; thu nhập từ thừa kế, quà tặng

2.2. Thời hạn nộp tờ khai

- Hồ sơ khai thuế tháng: Chậm nhất là ngày 20 của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế.

- Hồ sơ khai thuế quý: Chậm nhất là ngày 30 của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế.

- Hồ sơ khai thuế cả năm: Chậm nhất là ngày 30 của tháng đầu tiên của năm dương lịch hoặc năm tài chính.

- Hồ sơ khai thuế theo từng lần phát sinh nghĩa vụ thuế: Chậm nhất là ngày thứ 10, kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế.

- Hồ sơ quyết toán thuế năm: Chậm nhất là ngày thứ 90, kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính.

- Hồ sơ quyết toán thuế đối với trường hợp chấm dứt hoạt động, chấm dứt hợp đồng, chuyển đổi hình thức sở hữu…: Chậm nhất là ngày thứ 45, kể từ ngày phát sinh các trường hợp đó

 2.3. Gia hạn hồ sơ khai thuế:

- Người nộp thuế không có khả năng nộp hồ sơ khai thuế đúng hạn do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ thì được thủ trưởng cơ quan thuế quản lý trực tiếp gia hạn nộp hồ sơ khai thuế.

- Thời gian gia hạn không quá ba mươi ngày đối với việc nộp hồ sơ khai thuế tháng, khai thuế quý, khai thuế năm, khai thuế tạm tính, khai thuế theo từng lần phát sinh nghĩa vụ thuế; sáu mươi ngày đối với việc nộp hồ sơ khai quyết toán thuế, kể từ ngày hết thời hạn phải nộp hồ sơ khai thuế.

2.4. Khai bổ sung hồ sơ khai thuế:

- Trước khi cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế, người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp có sai sót gây ảnh hưởng đến số thuế phải nộp thì được khai bổ sung hồ sơ khai thuế;

- Hồ sơ khai thuế bổ sung được nộp cho cơ quan thuế vào bất cứ ngày làm việc nào, nhưng phải trước khi cơ quan công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở đối tượng nộp thuế;

- Khai bổ sung làm tăng số tiền thuế phải nộp: Đối tượng nộp thuế tự xác định số tiền phạt chậm nộp theo quy định. Nếu đối tượng nộp thuế không tự xác định hoặc xác định không đúng, cơ quan thuế xác định số tiền phạt chậm nộp và thông báo cho đối tượng nộp thuế biết để thực hiện;

- Khai bổ sung làm giảm số thuế phải nộp: Đối tượng nộp thuế được điều chỉnh giảm tiền thuế, tiền phạt (nếu có) tại ngày cuối cùng của tháng nộp hồ sơ khải bổ sung, hoặc được bù trừ số thuế giảm vào số thuế phát sinh của lần khai thuế tiếp theo

3. Ấn định thuế

Người nộp thuế nộp thuế theo phương pháp kê khai bị ấn định thuế trong các trường hợp sau đây:

- Không đăng ký thuế;

- Không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế sau mười ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc ngày hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế;

- Không khai thuế, không nộp bổ sung hồ sơ thuế theo yêu cầu của cơ quan thuế hoặc khai thuế không chính xác, trung thực, đầy đủ về căn cứ tính thuế;

- Không phản ánh hoặc phản ánh không đầy đủ, trung thực, chính xác số liệu trên sổ kế toán để xác định nghĩa vụ thuế;

- Không xuất trình sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ và các tài liệu cần thiết liên quan đến việc xác định số thuế phải nộp trong thời hạn quy định;

- Mua, bán, trao đổi và hạch toán giá trị hàng hóa, dịch vụ không theo giá trị giao dịch thông thường trên thị trường;

- Có dấu hiệu bỏ trốn hoặc phát tán tài sản để không thực hiện nghĩa vụ thuế.

Các căn cứ ấn định thuế bao gồm:

+Cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế;

+ So sánh số thuế phải nộp của cơ sở kinh doanh cùng mặt hàng, ngành nghề, quy mô;

+ Tài liệu và kết quả kiểm tra, thanh tra còn hiệu lực.

4. Nộp thuế

 Thời hạn nộp thuế:

Trường hợp người nộp thuế tính thuế, thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế.

Trường hợp cơ quan thuế tính thuế hoặc ấn định thuế, thời hạn nộp thuế là thời hạn ghi trên thông báo của cơ quan thuế.

- Đồng tiền nộp thuế:

Người nộp thuế xác định doanh thu, chi phí, giá tính thuế và các khoản thuế nộp ngân sách nhà nước bằng đồng Việt Nam, trừ trường hợp nộp thuế bằng ngoại tệ theo quy định của Chính phủ. Trường hợp phát sinh doanh thu, chi phí, giá tính thuế bằng ngoại tệ hoặc người nộp thuế có nghĩa vụ phải nộp bằng ngoại tệ nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nộp thuế bằng đồng Việt Nam thì phải quy đổi ngoại tệ ra đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm phát sinh.

- Địa điểm và hình thức nộp thuế

Người nộp thuế thực hiện nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước:

+ Tại Kho bạc Nhà nước;

+ Tại cơ quan quản lý thuế nơi tiếp nhận hồ sơ khai thuế;

+ Thông qua tổ chức được cơ quan quản lý thuế uỷ nhiệm thu thuế;

+ Thông qua ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác và tổ chức dịch vụ theo quy định của pháp luật.

+ Thứ tự thanh toán tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt

Trường hợp người nộp thuế vừa có số tiền thuế nợ, tiền thuế truy thu, tiền thuế phát sinh, tiền chậm nộp, tiền phạt thì việc thanh toán được thực hiện theo thứ tự sau đây:

+ Đối với các loại thuế do cơ quan thuế quản lý:

(1) Tiền thuế nợ; (2) Tiền thuế truy thu; (3) Tiền chậm nộp; (4) Tiền thuế phát sinh; (5) Tiền phạt;

+ Đối với các loại thuế do cơ quan hải quan quản lý:

(1) Tiền thuế nợ quá hạn thuộc đối tượng áp dụng các biện pháp cưỡng chế; (2) Tiền chậm nộp thuộc đối tượng áp dụng các biện pháp cưỡng chế; (3) Tiền thuế nợ quá hạn chưa thuộc đối tượng áp dụng các biện pháp cưỡng chế; (4) Tiền chậm nộp chưa thuộc đối tượng áp dụng các biện pháp cưỡng chế; (5) Tiền thuế phát sinh; (6) Tiền phạt.

Gia hạn nộp thuế

Việc gia hạn nộp thuế được xem xét trên cơ sở đề nghị của người nộp thuế theo một trong các trường hợp sau đây:

+ Bị thiệt hại vật chất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh do gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ;

+ Phải ngừng hoạt động do di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, kinh doanh;

+ Chưa được thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản đã được ghi trong dự toán ngân sách nhà nước;

+ Không có khả năng nộp thuế đúng hạn do gặp khó khăn đặc biệt khác theo quy định của Chính phủ.

- Xử lý số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa

Người nộp thuế có số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã nộp lớn hơn số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải nộp đối với từng loại thuế trong thời hạn mười năm, kể từ ngày nộp tiền vào ngân sách nhà nước thì được bù trừ số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa với số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ, kể cả việc bù trừ giữa các loại thuế với nhau; hoặc trừ vào số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải nộp của lần nộp thuế tiếp theo; hoặc hoàn trả số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa khi người nộp thuế không còn nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.

5. Kiểm tra thanh tra thuế

- Kiểm tra thuế: Kiểm tra thuế có thể được thực hiện tại trụ sở của cơ quan quản lý thuế hoặc trụ sở của Người nộp thuế.

- Kiểm tra thuế tại trụ sở cơ quan quản lý thuế

+ Kiểm tra thuế tại trụ sở cơ quan quản lý thuế được thực hiện thường xuyên đối  với các hồ sơ thuế nhằm đánh giá tính đầy đủ, chính xác của các thông tin, chứng từ trong hồ sơ thuế, sự tuân thủ pháp luật về thuế của người nộp thuế.

+ Khi kiểm tra hồ sơ thuế, công chức quản lý thuế thực hiện việc đối chiếu, so sánh nội dung trong hồ sơ thuế với các thông tin, tài liệu có liên quan, các quy định của pháp luật về thuế, kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa trong trường hợp cần thiết đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

+ Kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế

+ Các trường hợp kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế:

- Trường hợp hết thời hạn theo thông báo của cơ quan quản lý thuế mà người nộp thuế không giải trình, bổ sung thông tin, tài liệu hoặc không khai bổ sung hồ sơ thuế hoặc giải trình, khai bổ sung hồ sơ thuế không đúng;

- Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã được thông quan nếu cơ quan hải quan phát hiện hồ sơ thuế có nội dung cần làm rõ liên quan đến nghĩa vụ thuế, số tiền thuế được miễn, số tiến thuế được giảm, số tiến thuế được hoàn thì cơ quan hải quan yêu cầu người nộp thuế giải trình hoặc bổ sung thông tin, tài liệu nhưng người nộp thuế không chứng minh được số thuế đã khai là đúng hoặc quá thời hạn mà không giải trình được

- Các trường hợp kiểm tra sau thông quan, bao gồm kiểm tra theo kế hoạch, kiểm tra chọn mẫu để đánh giá việc tuân thủ pháp luật về thuế và kiểm tra đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã được thông quan có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế.

- Các trường hợp xác định đối tượng kiểm tra theo tiêu chí đánh giá rủi ro về thuế qua phân tích, đánh giá việc chấp hành pháp luật của người nộp thuế; kiểm tra đối với trường hợp có phát sinh dấu hiệu vi phạm pháp luật và các trường hợp được lựa chọn theo kế hoạch, chuyên đề kiểm tra do thủ trưởng cơ quan quản lý thuế cấp trên quyết định.

- Trình tự, thủ tục kiểm tra thuế được quy định như sau:

+ Công bố quyết định kiểm tra thuế khi bắt đầu tiến hành kiểm tra thuế;

+ Đối chiếu nội dung khai báo với sổ kế toán, chứng từ kế toán, báo cáo tài chính, các tài liệu có liên quan, tình trạng thực tế trong phạm vi, nội dung của quyết định kiểm tra thuế;

+ Thời hạn kiểm tra thuế không quá năm ngày làm việc, kể từ ngày công bố quyết định kiểm tra; trường hợp kiểm tra theo kế hoạch đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thì thời hạn không quá mười lăm ngày;

+ Trong trường hợp cần thiết, quyết định kiểm tra thuế được gia hạn một lần; thời gian gia hạn không quá thời hạn quy định tại điểm c khoản này;

+ Lập biên bản kiểm tra thuế trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn kiểm tra;

+ Xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển cấp có thẩm quyền xử lý theo kết quả kiểm tra.

6. Xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế

- Xử phạt vi phạm pháp luật thuế
+ Vi phạm các thủ tục thuế;
+  Chậm nộp tiền thuế;
+  Khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn;
+  Trốn thuế, gian lận thuế.
- Các trường hợp bị cưỡng chế
+ Đối tượng nộp thuế nợ tiền thuế, tiền phạt vi phạm pháp luật thuế đã quá 90 ngày.
+ Đối tượng nộp thuế nợ tiền thuế, tiền phạt vi phạm pháp luật thuế khi đã hết thời hạn gia hạn nộp tiền thuế;
+ Đối tượng nộp thuế còn nợ tiền thuế, tiền phạt có hành vi phát tán tài sản, bỏ trố
- Biên pháp
+ Trích tiền từ tài khoản của đối tượng tại kho bạc Nhà nước, Ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác và phong tỏa tài khoản;
+ Khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập;
+ Dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
+ Thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng;
+ Kê biên bán đấu giá tài sản kê biên;
+ Thu tiền tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế do tổ chức hoặc cá nhân đang nắm giữ;
+ Thu hồi giấy chứng nhân đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép thành lập hoặc giấy hành nghề