Phân loại tài sản cố định trong doanh nghiệp
Việc phân loại tài sản cố định trong doanh nghiệp áp dụng theo tình hình thực tế của doanh nghiệp và được chia ra thành 4 cách đó là phân loại tài sản cố định theo hình thái biểu hiện, theo quyền sở hữu, theo nguồn hình thành, theo công dụng và tình hình sử dụng
I/ Phân loại tài sản cố định theo hình thái biểu hiện:
1/ Tài sản cố định hữu hình :
*Theo chuẩn mực kế toán Việt Nam số 03 (VAS 03 – TSCĐ hữu hình):
Tài sản cố định hữu hình là những tài sản có hình thái vật chất do doanh nghiệp nắm giữ để sử dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với tiêu chuẩn ghi nhận TSCĐ hữu hình
*Theo chuẩn mực kế toán 03 tài sản cố định hữu hình có quy định điều kiện ghi nhận TSCĐ như sau:
Các tài sản được ghi nhận là TSCĐ hữu hình phải thỏa mãn đồng thời tất cả bốn tiêu chuẩn ghi nhận sau:
+ Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng tài sản đó
+ Nguyên giá phải được xác định đáng tin cậy
+ Thời gian sử dụng ước tính trên 1 năm
+Có đủ tiêu chuẩn giá trị theo quy định hiện hành
* Theo thông tư 45/2013/TT-BTC của Bộ tài chính, TSCĐ hữu hình là những tư liệu lao động chủ yếu có hình thái vật chất thỏa mãn các tiêu chuẩn của TSCĐ hữu hình, tham gia nhiều chu kỳ kinh doanh nhưng vẫn giữ nguyên hình thái vật chất ban đầu như nhà cửa, vật kiến trúc, máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải…

Có 4 kiểu phân loại tài sản cố định trong doanh nghiệp (Ảnh minh họa)
Như vậy có thể hiểu TSCĐ hữu hình là tất cả các tài sản, tư liệu lao động(có thể từng đơn vị tài sản có kết cấu độc lập hoặc một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản liên kết với nhau để thực hiện một hay một số chức năng nhất định) có giá trị lớn, thời gian sử dụng dài và có hình thái vật chất cụ thể (gồm cả TSCĐ tự có và TSCĐ thuê dài hạn) do DN nắm giữ để sử dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Trường hợp một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết với nhau, trong đó mỗi bộ phận cấu thành có thời gian sử dụng khác nhau và nếu thiếu một bộ phận nào đó mà cả hệ thống vẫn thực hiện được chức năng hoạt động chính của nó nhưng do yêu cầu quản lý, sử dụng TSCD đòi hỏi phải quản lý riêng từng bộ phận tài sản đó nếu thỏa mãn đồng thời các tiêu chuẩn của TSCĐ thì được coi là một tài sản độc lập. Ví dụ như nhà cửa văn phòng, nhà xưởng, kho tàng, vật kiến trúc, máy móc, thiết bị,..
Như vậy theo quy định hiện hành TSCĐ được chia thành các nhóm:
+ Nhà cửa, vật kiến trúc: Bao gồm toàn bộ những TSCĐ được hình thành sau quá trình đầu tư, thi công, xây dựng có kiến trúc cụ thể như trụ sở, văn phòng làm việc, nhà xưởng sản xuất, kho tàng, đường xá, hàng rào, cầu cảng,..phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị
+ Máy móc, thiết bị: Thuộc nhóm này gồm những máy móc, thiết bị có kết cấu đơn lẻ hoặc một hệ thống dùng cho SXKD như các dây chuyền công nghệ, máy móc thiết bị chuyên dùng, thiết bị động lực, máy tiện, máy bào
+ Phương tiện thiết bị vận tải truyền dẫn: Gồm các phương tiện vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không, đường ống dẫn khí, dẫn dầu,..cá thiết bị truyền dẫn như hệ thống điện, nước, băng tải, đường dây…
+ Thiết bị, dụng cụ, quản lý: Gồm các thiết bị phục vụ cho công tác quản lý tại văn phòng như thiết bị điện tử, máy vi tính, máy Fax, máy photocopy…
+ Cây lâu năm, súc vật làm việc và cho sản phẩm: Gồm các loại cây lâu năm, cây công nghiệp(chè, cà phê, cao su, cây ăn quả lâu năm,…), súc vật làm việc (trâu, bò, ngựa,…dùng để cày, kéo), súc vật cho sản phẩm (bò sữa, bò sinh sản,…)
+ TSCĐ khác: Gồm tất cả các TSCĐ không được xếp vào các nhóm trên như các TSCĐ thừa so với nhu cầu, chưa cần dùng, chờ thanh lý, nhượng bán, các tác phẩm nghệ thuật, sách chuyên môn, tranh ảnh quý,…
2/ Tài sản cố định vô hình:
Theo chuẩn mực kế toán số 04 Tài sản cố định vô hình: Tài sản cố định vô hình là tài sản không có hình thái vật chất nhưng xác định vào giá trị và do doanh nghiệp nắm giữ, sử dụng trong sản xuất kinh doanh, cung cấp dịch vụ hoặc cho các đối tượng khác thuê phù hợp với tiêu chuẩn ghi nhận TSCĐ vô hình.
Một tài sản vô hình được ghi nhận là TSCĐ vô hình phải thỏa mãn đồng thời:
+ Định nghĩa về TSCĐ vô hình; và
+ Bốn (4) tiêu chuẩn ghi nhận sau:
++) Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai do tài sản đó mang lại
++) Nguyên giá tài sản cố định phải được xác định một cách đáng tin cậy
++) Thời gian sử dụng ước tính trên 1 năm
++) Có đủ tiêu chuẩn giá trị theo quy định hiện hành
Doanh nghiệp phải xác định được mức độ chắc chắn khả năng thu được lợi ích kinh tế trong tương lai bằng việc sử dụng các giả định hợp lý và có cơ sở về các điều kiện kinh tế tồn tại trong suốt thời gian sử dụng hữu ích của tài sản đó.
Theo thông tư 45/2013/TT-BTC thì: TSCĐ vô hình là các tài sản không có hình thái vật chất, thể hiện một lượng giá trị đã được đầu tư thỏa mãn các tiêu chuẩn của TSCĐ vô hình, tham gia vào nhiều chu kỳ kinh doanh, như một số chi phí liên quan trực tiếp tới đất sử dụng, chi phí về quyền phát hành, bằng phát minh, bằng sáng chế, bản quyền tác giả…
Tóm lại TSCĐ vô hình là tài sản không có hình thái vật chất nhưng xác định được giá trị và do doanh nghiệp nắm giữ, sử dụng trong SXKD cung cấp dịch vụ hoặc cho các đối tượng khác thuê phù hợp với tiêu chuẩn ghi nhận TSCĐ vô hình. Nói cách khác TSCĐ vô hình là các khoản chi phí hay giá trị mà đơn vị đã thực sự đầu tư với mục đích kiếm lời trong tương lai nhưng không có hình thái vật chất cụ thể gồm có: TSCĐ vô hình tự có và TSCĐ thuê dài hạn
Ví dụ như: Chi phí về quyền sử dụng đất đai, chi phí về bằng phát minh, sáng chế, bản quyền tác giả, chi phí cho phần mềm vi tính
Tất cả các TSCĐ vô hình được chia thành các nhóm sau:
+ Quyền sử dụng đất: Là toàn bộ các chi phí thực tế đã chi ra liên quan trực tiếp tời quyền sử dụng đất như: Tiền chi ra để có quyền sử dụng đất, chi phí cho đền bù, giải phóng mặt bằng, san lấp mặt bằng (trường hợp quyền sử dụng đất riêng biệt đối với giai đoạn đầu tư nhà cửa, vật kiến trúc trên đất), lệ phí trước bạ (nếu có)…
+ Quyền phát hành, bản quyền, bằng sáng chế: Gồm toàn bộ các chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra để mua lại quyền tác giả, bằng sáng chế hoặc những chi phí phải trả để đầu tư cho các công trình nghiên cứu, thử nghiệm được cấp bằng phát minh, sáng chế…
+ Chương trình phần mềm máy vi tính: Là các chi phí mà doanh nghiệp bỏ ra để mua lại nhãn hiệu sản phẩm, hàng hóa nào đó
+ Giấy phép và giấy phép nhượng quyền: Là các khoản chi ra để doanh nghiệp có được giấy phép hoặc giấy phép nhượng quyền thực hiện công việc đó, như: Giấy phép khai thác, giấy phép sản xuất loại sản phẩm mới,…
Hoặc một ví dụ khác như: Một công ty A đang hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ kế toán và sản xuất phần mềm kế toán, thì bản quyền sáng chế phần mềm kế toán chính là tài sản cố định vô hình
II/ Phân loại tài sản cố định theo quyền sở hữu:
Phân loại tài sản cố định theo cách này TSCĐ trong đơn vị bao gồm:
+ TSCĐ tự có: Gồm tất cả các TSCĐ thuộc quyền sở hữu của đơn vị do đơn vị đầu tư hoặc nhận góp vốn
+ TSCĐ thuê ngoài: Gồm tất cả các TSCĐ mà đơn vị đi thuê ngắn (thuê hoạt động) hoặc dài hạn (thuê tài chính)
Việc phân loại tài sản cố định theo quyền sở hữu giúp ta phân định được những tài sản thuộc quyền sở hữu và sử dụng lâu dài của doanh nghiệp để từ đó có các biện pháp quản lý, sử dụng hợp lý, đồng thời trích khấu hao của những tài sản này. Đối với các tài sản thuê hoạt động (ngắn hạn) thì đơn vị chỉ chịu trách nhiệm bảo quản, sử dụng và thanh toán các chi phí thuê mà không phải trích khấu hao
III/ Phân loại tài sản cố định theo nguồn hình thành TSCĐ:
-TSCĐ hình thành từ nguồn vốn góp ban đầu và bổ sung trong quá trình kinh doanh
-TSCĐ hình thành từ nguồn vốn góp của các thành viên tham gia liên doanh
-TSCĐ được đầu tư mua sắm, xây dựng bằng vốn vay dài hạn
-TSCĐ hình thành từ nguồn nợ dài hạn để thuê TSCĐ
Cách phân loại tài sản cố định này cho thấy trách nhiệm pháp lý của đơn vị đối với các chủ thể kinh tế khác về số TSCĐ được hình thành từ nguồn vốn của họ. Từ đó có kế hoạch sử dụng và huy động các khoản tiền nhằm thanh toán các khoản nợ vay, nợ thuê tài sản dài hạn
IV/ Phân loại tài sản cố định theo công dụng và tình hình sử dụng
-TSCĐ dùng chung cho sản xuất kinh doanh
-TSCĐ sử dụng cho hoạt động hành chính sự nghiệp
-TSCĐ sử dụng cho hoạt động phúc lợi
-TSCĐ chờ xử lý; thừa so với nhu cầu, chờ thanh lý
Dựa trên cách phân loại tài sản cố định này đơn vị có thể có những biện pháp quản lý, sử dụng thích ứng với từng nhóm TSCĐ hiện có
Xem thêm bài: Cách xác định nguyên giá tài sản cố định
Bài viết trước: Tài sản cố định là gì