Tài sản dài hạn là gì


Tài sản dài hạn thuộc mã số 200 trên bảng cân đối kế toán, trong bài viết này chúng ta sẽ tìm hiểu tất cả các tài khoản khoản thuộc tài sản dài hạn, phân loại các tài sản dài hạn

Tài sản dài hạn là gì

Tài sản dài hạn là các tài sản có thời hạn thu hồi hoặc sử dụng trên 12 tháng tại thời điểm báo cáo, như: Các khoản phải thu dài hạn, tài sản cố định, bất động sản đầu tư, các khoản đầu tư tài chính dài hạn và tài sản dài hạn khác

tài sản dài hạn là gì

Để hiểu rõ hơn về tài sản dài hạn bạn cần học nguyên lý kế toán vững và nắm rõ về các tài khoản kế toán trong bảng hệ thống tài khoản kế toán theo thông tư 200 để nắm rõ cách định khoản các tài khoản liên quan tới tài sản dài hạn

Phân loại tài sản dài hạn trên bảng cân đối kế toán:

I. Các khoản phải thu dài hạn:

Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh toàn bộ giá trị của các khoản phải thu có kỳ hạn thu hồi trên 12 tháng hoặc hơn một chu kỳ sản xuất, kinh doanh tại thời điểm báo cáo, như: Phải thu của khách hàng, vốn kinh doanh ở đơn vị trực thuộc, phải thu nội bộ, phải thu về cho vay, phải thu khác (sau khi trừ đi dự phòng phải thu dài hạn khó đòi). Nó thuộc mã số 210 thuộc nhóm tài sản dài hạn trong bảng cân đối kế toán

Các khoản phải thu dài hạn gồm:

1. Phải thu dài hạn của khách hàng:
Chỉ tiêu này phản ánh số tiền còn phải thu của khách hàng có kỳ hạn thu hồi trên 12 tháng hoặc hơn một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường tại thời điểm báo cáo.
Thuộc mã số 211 trong Tài sản dài hạn
Nợ TK 131 : Phải thu của khách hàng
 
2. Trả trước cho người bán dài hạn
Chỉ tiêu này phản ánh số tiền đã trả trước cho người bán trên 12 tháng hoặc hơn một chu kỳ kinh doanh thông thường để mua tài sản nhưng chưa nhận được tài sản tại thời điểm báo cáo.
Nợ TK 331 : Phải trả cho người bán
 
3. Vốn kinh doanh ở đơn vị trực thuộc
Chỉ tiêu này chỉ ghi trên Bảng cân đối kế toán của đơn vị cấp trên phản ánh số vốn kinh doanh đã giao cho các đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc. Khi lập Bảng cân đối kế toán tổng hợp của toàn doanh nghiệp, chỉ tiêu này được bù trừ với chỉ tiêu “Phải trả nội bộ về vốn kinh doanh” (Mã số 334) hoặc chỉ tiêu “Vốn góp của chủ sở hữu” (Mã số 411) trên Bảng cân đối kế toán của các đơn vị hạch toán phụ thuộc, chi tiết phần vốn nhận của đơn vị cấp trên. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này căn cứ vào số dư Nợ của tài khoản 1361 “Vốn kinh doanh ở các đơn vị trực thuộc”.
Nợ TK 1361: Vốn kinh doanh ở các đơn vị trực thuộc
 
4. Phải thu dài hạn nội bộ
Chỉ tiêu này phản ánh các khoản phải thu giữa đơn vị cấp trên và các đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc và giữa các đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc với nhau trong các quan hệ thanh toán ngoài quan hệ giao vốn, có kỳ hạn thu hồi còn lại trên 12 tháng hoặc hơn một chu kỳ kinh doanh thông thường tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này căn cứ vào số dư Nợ chi tiết của các Tài khoản 1362, 1363, 1368 trên Sổ kế toán chi tiết Tài khoản 136. Khi đơn vị cấp trên lập Báo cáo tài chính tổng hợp với đơn vị cấp dưới hạch toán phụ thuộc, chỉ tiêu này được bù trừ với chỉ tiêu “Phải trả nội bộ dài hạn” trên Bảng cân đối kế toán của các đơn vị hạch toán phụ thuộc.
Nợ TK 1362:Phải thu nội bộ về chênh lệch tỷ giá
Nợ TK 1363: Phải thu nội bộ về chi phí đi vay đủ điều kiện được vốn hoá
Nợ TK 1368: Phải thu nội bộ khác
 
5. Phải thu về cho vay dài hạn
Chỉ tiêu này phản ánh các khoản cho vay bằng khế ước, hợp đồng, thỏa thuận vay giữa 2 bên (không bao gồm các nội dung được phản ánh ở chỉ tiêu “Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn”) có kỳ hạn thu hồi còn lại hơn 12 tháng tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này căn cứ vào số dư Nợ chi tiết TK 1283 – “Cho vay”.
Nợ TK 1283: Cho vay
 
6. Phải thu dài hạn khác
Chỉ tiêu này phản ánh các khoản phải thu khác có kỳ hạn thu hồi còn lại trên 12 tháng hoặc hơn một chu kỳ kinh doanh thông thường tại thời điểm báo cáo, như: Phải thu về các khoản đã chi hộ, tiền lãi, cổ tức được chia; Các khoản tạm ứng, cầm cố, ký cược, ký quỹ, cho mượn…mà doanh nghiệp được quyền thu hồi. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này căn cứ vào số dư Nợ chi tiết của các tài khoản: TK 1385, TK1388, TK334, TK338, TK 141, TK 244.
Nợ TK 1385: Phải thu về cổ phần hoá
Nợ TK 1388: Phải thu khác
Nợ TK 334: Phải trả người lao động
Nợ TK 338: Phải trả, phải nộp khác
Nợ TK 141: Tạm ứng
Nợ TK 244: Cầm cố, thế chấp, ký quỹ, ký cược
 
7. Dự phòng phải thu dài hạn khó đòi (*)
Chỉ tiêu này phản ánh khoản dự phòng cho các khoản phải thu dài hạn khó đòi tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có chi tiết của Tài khoản 2293 “Dự phòng phải thu khó đòi”, chi tiết dự phòng cho các khoản phải thu dài hạn khó đòi và được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (...).
Có TK 2293: Dự phò

II. Tài sản cố định

Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh toàn bộ giá trị còn lại (Nguyên giá trừ giá trị hao mòn lũy kế) của các loại tài sản cố định tại thời điểm báo cáo, nằm trong mã số 220 thuộc nhóm tài sản dài hạn trong bảng cân đối kế toán

Tiêu chuẩn để nhận biết tài sản cố định xem tại:  Tài sản cố định là gì

Các khoản liên quan tới tài sản cố định gồm:

1. Tài sản cố định hữu hình
Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh toàn bộ giá trị còn lại của các loại tài sản cố định hữu hình tại thời điểm báo cáo
  - Nguyên giá:
Chỉ tiêu này phản ánh toàn bộ nguyên giá các loại tài sản cố định hữu hình tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Nợ của Tài khoản 211 “Tài sản cố định hữu hình”.
Nợ TK 211: Tài sản cố định hữu hình
  - Giá trị hao mòn luỹ kế (*) :
Chỉ tiêu này phản ánh toàn bộ giá trị đã hao mòn của các loại tài sản cố định hữu hình luỹ kế tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có của Tài khoản 2141 “Hao mòn TSCĐ hữu hình” và được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (...).
Có TK 2141 (Ghi âm trong (..))
 
2. Tài sản cố định thuê tài chính
  - Nguyên giá
Chỉ tiêu này phản ánh toàn bộ nguyên giá các loại tài sản cố định thuê tài chính tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Nợ của Tài khoản 212 “Tài sản cố định thuê tài chính”.
Nợ TK 212: Tài sản cố định thuê tài chính
  - Giá trị hao mòn luỹ kế (*)
Chỉ tiêu này phản ánh toàn bộ giá trị đã hao mòn của các loại tài sản cố định thuê tài chính luỹ kế tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có của Tài khoản 2142 “Hao mòn tài sản cố định thuê tài chính” và được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (...).
Có TK 2142: Hao mòn TSCĐ hữu hình thuê tài chính
 
 3. Tài sản cố định vô hình
Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh toàn bộ giá trị còn lại của các loại tài sản cố định vô hình tại thời điểm báo cáo
  - Nguyên giá
Chỉ tiêu này phản ánh toàn bộ nguyên giá các loại tài sản cố định vô hình tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Nợ của Tài khoản 213 “Tài sản cố định vô hình”.
Nợ TK  213 : Tài sản cố định vô hình
  - Giá trị hao mòn luỹ kế (*)
Chỉ tiêu này phản ánh toàn bộ giá trị đã hao mòn của các loại tài sản cố định vô hình luỹ kế tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có của Tài khoản 2143 “Hao mòn TSCĐ vô hình” và được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (... ).
Có TK 2143: Hao mòn TSCĐ vô hình
 

III. Bất động sản đầu tư

Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh toàn bộ giá trị còn lại của các loại bất động sản đầu tư tại thời điểm báo cáo. Bất động sản đầu tư có mã số 230 thuộc nhóm tài sản dài hạn trong bảng cân đối kế toán

1. Nguyên giá

Chỉ tiêu này phản ánh toàn bộ nguyên giá của các loại bất động sản đầu tư tại thời điểm báo cáo sau khi đã trừ số tổn thất do suy giảm giá trị của bất động sản đầu tư nắm giữ chờ tăng giá. Số liệu để phản ánh vào chỉ tiêu này là số dư Nợ của Tài khoản 217 “Bất động sản đầu tư”.

Nợ TK 217: Bất động sản đầu tư

2. Giá trị hao mòn luỹ kế

Chỉ tiêu này phản ánh toàn bộ giá trị hao mòn lũy kế của bất động sản đầu tư dùng để cho thuê tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có của Tài khoản 2147 “Hao mòn bất động sản đầu tư” và được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (...).

Có TK 2147: Hao mòn bất động sản đầu tư (Ghi âm trong ngoặc đơn (..))

 IV. Tài sản dở dang dài hạn 

Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh giá trị chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn và chi phí xây dựng cơ bản dở dang dài hạn tại thời điểm báo cáo, có mã số 240 thuộc nhóm tài sản dài hạn trong bảng cân đối kế toán

 1. Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn 

Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn là các chi phí dự định để sản xuất hàng tồn kho nhưng việc sản xuất bị chậm trễ, gián đoạn, tạm ngừng, vượt quá một chu kỳ kinh doanh thông thường của doanh nghiệp tại thời điểm báo cáo. Chỉ tiêu này thường dùng để trình bày các dự án dở dang của các chủ đầu tư xây dựng bất động sản để bán nhưng chậm triển khai, chậm tiến độ.

Chỉ tiêu này phản ánh giá trị thuần có thể thực hiện được (là giá gốc trừ đi số dự phòng giảm giá đã trích lập riêng cho khoản này) của chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang vượt quá một chu kỳ kinh doanh, không thỏa mãn định nghĩa về hàng tồn kho theo Chuẩn mực kế toán. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này căn cứ vào số dư Nợ chi tiết của tài khoản 154 – “Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang” và số dư Có chi tiết của tài khoản 2294 – “Dự phòng giảm giá hàng tồn kho”.

Nợ TK  154: Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang

Có TK 2294: Dự phòng giảm giá hàng tồn kho

 2. Chi phí xây dựng cơ bản dở dang

Chỉ tiêu này phản ánh toàn bộ trị giá tài sản cố định đang mua sắm, chi phí đầu tư xây dựng cơ bản, chi phí sửa chữa lớn tài sản cố định dở dang hoặc đã hoàn thành chưa bàn giao hoặc chưa đưa vào sử dụng. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Nợ của Tài khoản 241 “Xây dựng cơ bản dở dang”.

Nợ TK 241: Xây dựng cơ bản dở dang

 

 V. Đầu tư tài chính dài hạn

Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh tổng giá trị các khoản đầu tư tài chính dài hạn tại thời điểm báo cáo (sau khi trừ đi khoản dự phòng tổn thất đầu tư vào đơn vị khác), như: Đầu tư vào công ty con, đầu tư vào công ty liên kết, liên doanh, đầu tư góp vốn vào đơn vị khác, đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn có kỳ hạn còn lại trên 12 tháng hoặc hơn một chu kỳ sản xuất, kinh doanh, Có mã số 250 thuộc nhóm tài sản dài hạn trong bảng cân đối kế toán

 1. Đầu tư vào công ty con
Chỉ tiêu này phản ánh giá trị các khoản đầu tư vào công ty con và các đơn vị trực thuộc có tư cách pháp nhân hạch toán độc lập về bản chất là công ty con (không phụ thuộc vào tên gọi hoặc hình thức của đơn vị) tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Nợ của Tài khoản 221 “Đầu tư vào công ty con”.
Nợ TK 221: Đầu tư vào công ty con
 
 2. Đầu tư vào công ty liên kết, liên doanh
Chỉ tiêu này phản ánh giá trị khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là tổng số dư Nợ của Tài khoản 222 “Đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết”.
Nợ TK 222: Đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết
 
 3. Đầu tư góp vốn vào đơn vị khác
Chỉ tiêu này phản ánh các khoản đầu tư vào vốn chủ sở hữu của đơn vị khác nhưng doanh nghiệp không có quyền kiểm soát, đồng kiểm soát, ảnh hưởng đáng kể (ngoài các khoản đầu tư vào công ty con, liên doanh, liên kết). Số liệu để trình bày vào chỉ tiêu này là số dư Nợ chi tiết của tài khoản 2281 – “Đầu tư góp vốn vào đơn vị khác”.
Nợ TK 2281: Đầu tư góp vốn vào đơn vị khác
 
 4. Dự phòng giảm giá đầu tư tài chính dài hạn
Chỉ tiêu này phản ánh khoản dự phòng tổn thất đầu tư vào đơn vị khác do đơn vị được đầu tư bị lỗ và nhà đầu tư có khả năng mất vốn tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có của Tài khoản 2292 “Dự phòng tổn thất đầu tư vào đơn vị khác” và được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (...).
Có TK 2292: Dự phòng tổn thất đầu tư vào đơn vị khác (Ghi âm trong (…))
 
 5. Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn
Chỉ tiêu này phản ánh các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn có kỳ hạn còn lại trên 12 tháng kể từ thời điểm báo cáo, như tiền gửi có kỳ hạn, trái phiếu, thương phiếu và các loại chứng khoán nợ khác. Chỉ tiêu này không bao gồm các khoản cho vay được trình bày trong chỉ tiêu “Phải thu về cho vay dài hạn”. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Nợ của các TK 1281, TK 1282, 1288.
Nợ TK 1281: Tiền gửi có kỳ hạn
Nợ TK 1282: Trái phiếu
Nợ TK 1288: Các khoản đầu tư khác nắm giữ đến ngày đáo hạn

VI. Tài sản dài hạn khác

Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh tổng giá trị các tài sản dài hạn khác có thời hạn thu hồi hoặc sử dụng trên 12 tháng tại thời điểm báo cáo, như: Chi phí trả trước dài hạn, tài sản thuế thu nhập hoãn lại và tài sản dài hạn chưa được trình bày ở các chỉ tiêu khác tại thời điểm báo cáo, có mã số 260 thuộc nhóm tài sản dài hạn trong bảng cân đối kế toán

1. Chi phí trả trước dài hạn
Chỉ tiêu này phản ánh số tiền trả trước để được cung cấp hàng hóa, dịch vụ có thời hạn trên 12 tháng hoặc hơn một chu kỳ sản xuất kinh doanh thông thường kể từ thời điểm trả trước; Lợi thế thương mại và lợi thế kinh doanh còn chưa phân bổ vào chi phí tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào vào chỉ tiêu “Chi phí trả trước dài hạn” là số dư Nợ chi tiết của Tài khoản 242 “Chi phí trả trước”. Doanh nghiệp không phải tái phân loại chi phí trả trước dài hạn thành chi phí trả trước ngắn hạn.
Nợ TK 242: Chi phí trả trước
 
2. Tài sản thuế thu nhập hoãn lại
Chỉ tiêu này phản ánh giá trị tài sản thuế thu nhâp hoãn lại tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Tài sản thuế thu nhập hoãn lại” được căn cứ vào số dư Nợ Tài khoản 243 “Tài sản thuế thu nhập hoãn lại”.
Nếu các khoản chênh lệch tạm thời chịu thuế và chênh lệch tạm thời được khấu trừ liên quan đến cùng một đối tượng nộp thuế và được quyết toán với cùng một cơ quan thuế thì thuế hoãn lại phải trả được bù trừ với tài sản thuế hoãn lại. Trường hợp này, chỉ tiêu “Tài sản thuế thu nhập hoãn lại” phản ánh số chênh lệch giữa tài sản thuế thu nhập hoãn lại lớn hơn thuế thu nhập hoãn lại phải trả.
Nợ TK 243: Tài sản thuế thu nhập hoãn lại
 
3. Thiết bị, vật tư, phụ tùng thay thế dài hạn
Chỉ tiêu này phản ánh giá trị thuần (sau khi đã trừ dự phòng giảm giá) của thiết bị, vật tư, phụ tùng dùng để dự trữ, thay thế, phòng ngừa hư hỏng của tài sản nhưng không đủ tiêu chuẩn để phân loại là tài sản cố định và có thời gian dự trữ trên 12 tháng hoặc hơn một chu kỳ sản xuất kinh doanh thông thường nên không được phân loại là hàng tồn kho. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này được căn cứ vào số dư chi tiết tài khoản 1534 – “Thiết bị, phụ tùng thay thế” (chi tiết số phụ tùng, thiết bị thay thế dự trữ dài hạn) và số dư Có chi tiết của tài khoản 2294 – “Dự phòng giảm giá hàng tồn kho”.
Nợ TK 1534: Thiết bị, phụ tùng thay thế
Có TK 2294: Dự phòng giảm giá hàng tồn kho
 
4. Tài sản dài hạn khác
Chỉ tiêu này phản ánh giá trị tài sản dài hạn khác ngoài các tài sản dài hạn đã nêu trên, như các vật phẩm có giá trị để trưng bày, bảo tàng, giới thiệu truyền thống, lịch sử… nhưng không được phân loại là TSCĐ và không dự định bán trong vòng 12 tháng kể từ thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này được căn cứ vào số dư chi tiết tài khoản 2288.
Nợ TK 2288 :Đầu tư khác

Để hiểu chi tiết hơn về mối quan hệ giữa tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn, nguồn vốn các bạn xem thêm tại: Cách lập bảng cân đối kế toán theo thông tư 200

Bạn muốn học vững chuyên sâu làm  báo cáo tài chính trên excel hoặc phần mềm kế toán thì có thể lựa chọn khóa học kế toán thực hành trên chứng từ thực tế do group đội ngũ kế toán trưởng trực tiếp cầm tay chỉ việc

"Nhận làm dịch vụ báo cáo tài chính cuối năm cho mọi loại hình doanh nghiệp"