Thuế giá trị gia tăng là gì


Thuế giá trị gia tăng là gì ? Và những đặc điểm cơ bản của thuế GTGT ? Trước tiên phải kể đến nguồn gốc của thuế giá trị gia tăng là gì?

Thuế giá trị gia tăng có nguồn gốc từ thuế doanh thu, ngay từ khi mới áp dụng ở Pháp, thuế GTGT đã đáp ứng được hai mục tiêu cơ bản là đảm bảo số thu kịp thời vào ngân sách nhà nước (NSNN) và khắc phục tình trạng trùng lắp của thuế doanh thu trước đây. Do có những ưu việt nổi trội, nên thuế giá trị gia tăng nhanh chóng được áp dụng rộng rãi tại nhiều nước trên thế giới.

thuế giá trị gia tăng là gì

Nếu như đến năm 1988 mới chỉ có 47 nước áp dụng sắc thuế này thì đến nay đã có hơn 120 nước đã đưa thuế giá trị gia tăng vào hệ thống thuế của mình với những tên gọi khác nhau như: TVA (Pháp); VAT (Anh,...); Thuế hàng hóa, dịch vụ (Úc, Canada, New Zealand, Singapore); Thuế tiêu dùng (Nhật Bản); Đặc biệt thuế giá trị gia tăng được áp dụng tại nhiều nước có nền kinh tế chuyển đổi như Trung Quốc, Việt Nam, Nga, Ba Lan,…

Thuế giá trị gia tăng là gì

Khái niệm thuế giá trị gia tăng là gì

Thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên phần giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.
Thuế giá trị gia tăng viết tắt theo tiếng Anh là: Value Added Tax (VAT).
Thuế giá trị gia tăng viết tắt theo tiếng Pháp là: La Taxe sue la Value Ajoutee (TVA).

=> Thuế giá trị gia tăng là sắc thuế có tính trung lập cao không chịu ảnh hưởng bởi tính chất, qui mô,lĩnh vực hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp do vậy hầu hết các doanh nghiệp là đối tượng nộp loại thuế này.
 

Khi nghiên cứu về thuế giá trị gia tăng cần tập trung các vấn đề gì

- Thuế giá trị gia tăng chỉ đánh vào các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trong nước, ngoại trừ 26 nhóm hàng hóa, dịch vụ.
-  Phương pháp khấu trừ là phương pháp được áp dụng chủ yếu. Trong cách tính của phương pháp này thì giá tính thuế và thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ là các yếu tố cần quan tâm.
-  Chỉ có cơ sở kinh doanh tính, nộp thuế theo phương pháp khấu trừ mới được hoàn thuế. Việc hoàn thuế chỉ được áp dụng đối với một số trường hợp nhằm khuyến khích sản xuất, kinh doanh của nhà nước.
-  Việc sử dụng hóa đơn chứng từ và kê khai thuế giá trị gia tăng được qui định rất cụ thể cho các trường hợp đặc biệt

Đặc điểm của thuế giá trị gia tăng là gì

đặc điểm của thuế giá trị gia tăng là gì

Chi tiết đặc điểm của thuế giá trị gia tăng là gì

- Thuế giá trị gia tăng là một sắc thuế thuộc loại thuế gián thu:  

Đối tượng nộp thuế GTGT là người cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người chịu thuế là người tiêu dùng cuối cùng. Thuế GTGT là một khoản tiền được cộng vào giá bán hàng hóa, dịch vụ mà người mua phải trả khi mua hàng.

- Thuế giá trị gia tăng có tính chất lũy thoái so với thu nhập:

Thuế giá trị gia tăng đánh vào hàng hóa, dịch vụ, người tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ là người phải trả khoản thuế đó, không phân biệt thu nhập cao hay thấp đều phải trả số thuế như nhau. Như vậy, nếu so sánh giữa số thuế phải trả so với thu nhập thì người nào có thu nhập cao hơn thì tỷ lệ này thấp hơn và ngược lại.

Xem thêm thuế gián thu và thuế lũy thoái là gì tại: Cách phân loại thuế

- Thuế giá trị gia tăng là sắc thuế tiêu dùng nhiều giai đoạn không trùng lắp:  

Thuế giá trị gia tăng đánh vào tất cả các giai đoạn của quá trình sản xuất kinh doanh nhưng chỉ tính trên phần giá trị tăng thêm của mỗi giai đoạn. Tổng số thuế thu được của tất cả các giai đoạn đúng bằng số thuế tính trên giá bán cho người tiêu dùng cuối cùng.

Giá trị gia tăng là phần giá trị mới tạo ra trong quá trình sản xuất kinh doanh. Đại lượng này có thể được xác định bằng phương pháp cộng hoặc phương pháp trừ. Theo phương pháp cộng, Giá trị gia tăng là trị giá các yếu tố cấu thành giá trị tăng thêm bao gồm tiền công và lợi nhuận. Theo phương pháp trừ, GTGT chính là khoản chênh lệch giữa tổng giá trị sản xuất và tiêu thụ trừ đi tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào tương ứng. Tổng giá trị gia tăng ở tất cả các giai đoạn luân chuyển đúng bằng giá bán sản phẩm ở giai đoạn cuối cùng. Do vậy, việc thu thuế trên GTGT ở từng giai đoạn tương đương với số thuế tính trên giá bán cho người tiêu dùng cuối cùng.

- Thuế giá trị gia tăng có tính trung lập kinh tế

Thuế GTGT không phải là yếu tố chi phí mà đơn thuần là yếu tố cộng thêm ngoài giá bán của người cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Thuế GTGT không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi kết quả kinh doanh của người nộp thuế, bởi quá trình tổ chức và phân chia các chu trình kinh tế; sản phẩm được luân chuyển qua nhiều hay ít giai đoạn thì tổng số thuế GTGT phải nộp của tất cả các giai đoạn không thay đổi.

- Thuế giá trị gia tăng có tính lãnh thổ

 Đối tượng chịu thuế là người tiêu dùng trong phạm vi lãnh thổ quốc gia.

Vai trò của thuế giá trị gia tăng là gì

Có 5 vai trò chính của thuế giá trị gia tăng:
- Là nguồn thu quan trọng của ngân sách nhà nước (khoảng trên 20% tổng thu từ thuế, phí và lệ phí);
- Điều tiết thu nhập;
- Khuyến khích sản xuất, kinh doanh, đầu tư, xuất khẩu;
- Thúc đẩy thực hiện chế độ hạch toán kế toán, sử dụng hóa đơn, chứng từ và thanh toán qua ngân hàng;
- Góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách thuế cho phù hợp với thông lệ quốc tế.

Nội dung Các vai trò chính của thuế giá trị gia tăng là gì ? chúng ta cùng tìm hiểu dưới đây

1. Thuế giá trị gia tăng là nguồn thu quan trọng của ngân sách nhà nước

 Chiếm khoảng trên 20% tổng thu từ thuế, phí và lệ phí

Thuế giá trị gia tăng được nhiều nước trên thế giới áp dụng xuất phát từ những ưu điểm của nó. Ở các nước khác nhau thì việc xây dựng các quy định về thuế giá trị gia tăng là không hoàn toàn giống nhau, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của mỗi nước.

Thuế giá trị gia tăng là thuế gián thu, chỉ là một khoản cộng thêm vào giá bán, không phải là một yếu tố chi phí, số thu từ thuế GTGT không chịu ảnh hưởng bởi sự phân chia các chu trình kinh tế, nên mục tiêu sử dụng thuế GTGT chủ yếu là nhằm động viên một phần thu nhập của đại bộ phận người tiêu dùng trong xã hội vào ngân sách nhà nước. Do đó, có thể coi thuế GTGT có mục tiêu chủ yếu là tạo nguồn thu cho ngân sách.

Ở hầu hết các nước, tỷ trọng nguồn thu từ thuế giá trị gia tăng chiếm khoảng 20% tổng các nguồn thu từ thuế, phí.:

2. Thuế giá trị gia tăng giúp điều tiết thu nhập

Chính sách thuế giá trị gia tăng giúp điều tiết sản xuất, tiêu dùng thông qua điều tiết phần thu nhập của các tổ chức, cá nhân sử dụng để tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT. Từ đó góp phần ổn định giá cả, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, góp phần thúc đẩy sản xuất, giải quyết cầu lao động ngày càng tăng của xã hội, điều tiết nền kinh tế.

3. Thuế giá trị gia tăng khuyến khích sản xuất kinh doanh, đầu tư, xuất khẩu

Chính sách thuế GTGT không trùng lắp do thuế chỉ tính vào giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ trên mỗi giai đoạn của quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng, không tính phần giá trị đã chịu thuế GTGT ở các khâu trước, thuế đã nộp ở khâu trước được tính khấu trừ ở khâu sau nên khuyến khích các tổ chức, cá nhân bỏ vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, khuyến khích chuyên môn hóa, hợp tác hóa để nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm phù hợp với nền kinh tế sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường.

Khuyến khích xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ thông qua áp dụng thuế suất 0%, doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ không phải chịu thuế GTGT ở khâu xuất khẩu hàng hóa và được hoàn lại toàn bộ số thuế GTGT đầu vào đã thu ở khâu trước, thực chất đây là hình thức trợ giá của Nhà nước cho hàng hóa xuất khẩu. Điều này đã giúp các doanh nghiệp có điều kiện giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, tập trung được nguồn hàng trong nước để xuất khẩu và nâng cao khả năng cạnh tranh được với hàng hóa trên thị trường quốc tế.

4. Thuế giá trị gia tăng thúc đẩy thực hiện chế độ hạch toán kế toán, sử dụng hóa đơn, chứng từ và thanh toán qua ngân hàng

Do yêu cầu kê khai thuế giá trị gia tăng, khấu trừ thuế GTGT đầu vào, các doanh nghiệp rất chú trọng đến công tác kế toán, đặc biệt là kế toán thuế nhằm tăng cường quản lý chặt chẽ về mặt hóa đơn. Khi thuế GTGT được thực hiện căn cứ vào hóa đơn, chứng từ trong hoạt động thanh toán đảm bảo chống thất thu thuế. Thuế giá trị gia tăng tính trên giá bán hàng hóa, dịch vụ nên không phải đi sâu xem xét, phân tích về tính hợp lý, hợp  lệ của các khoản chi phí, làm cho việc tổ chức quản lý thu tương đối đơn giản và dễ dàng hơn.

5. Thuế giá trị gia tăng góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách thuế cho phù hợp với thông lệ quốc tế

Nhìn chung trong các loại thuế gián thu, thuế giá trị gia tăng được coi là phương pháp thu tiến bộ nhất hiện nay, được đánh giá cao do đạt được các mục tiêu lớn cuả chính sắc thuế, như tạo được nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước, đơn giản, trung lập... Do vậy, các nước có nền kinh tế đang phát triển và phát triển đều có xu hướng chuyển từ việc áp dụng thuế doanh thu sang áp dụng thuế GTGT, đảm bảo chính sách thuế hoàn thiện theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế.

Văn bản pháp luật quy định về thuế GTGT

Luật thuế GTGT số 13/2008/QH 12.

Luật thuế GTGT sửa đổi, bổ sung số 31/2013/QH13

Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH10 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13.

Luật số 71/2014/QH 13

Luật số 106/2016/QH 13

Nghị định 209/2013/NĐ - CP.

Nghị định 83/2013/NĐ - CP.

Nghị định 12/2015/NĐ - CP.

Nghị định 100/2016/NĐ - CP.

Thông tư 219/2013/TT- BTC.

Thông tư 26/2015/TT- BTC.

Thông tư 130/2016/TT- BTC.

Thông tư 156/2013/TT- BTC

Luật quản lý thuế số 38/2019/QH1

Thông tư 43/2021/TT-BTC

Trên là bài viết thuế giá trị gia tăng là gì ?  và những đặc điểm cơ bản của loại thuế này

Bài tiếp: Đối tượng chịu thuế và không chịu thuế GTGT

BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

Hướng dẫn lập tờ khai thuế GTGT

⇒ Dịch vụ kế toán thuế uy tín chuyên nghiệp tư vấn miễn phí về thuế giá trị gia tăng, thuế TNDN, TNCN