Vai trò của thuế trong nền kinh tế thị trường


Thuế là một phần không thể thiếu trong nền kinh tế, bài viết này tổng hợp tóm lược vai trò của thuế trong nên kinh tế thị trường như sau:

- Huy động nguồn lực tài chính cho Nhà nước.

- Điều tiết kinh tế vĩ mô:

+ Ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát;

+ Kích thích đầu tư, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững;

+ Là công cụ để phân phối lại sản phẩm xã hội nhằm đạt mục tiêu công bằng xã hội;

+ Bảo hộ sản xuất nội địa và tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế

vai trò của thuế trong nền kinh tế

Vai trò của thuế trong nền kinh tế thị trường

Huy động nguồn lực tài chính cho Nhà nước

Ngay từ lúc phát sinh, thuế luôn luôn có công dụng là phương tiện động viên nguồn tài chính cho Nhà nước. Đây chính là vai trò truyền thống, căn bản của thuế.

Nhờ có vai trò nay mà Nhà nước mới có thể có trong tay mình nguồn tiền tệ cần thiết để chi tiêu cho các hoạt động của mình, đồng thời tạo ra những tiền đề để Nhà nước tiến hành tái phân phối sản phẩm xã hội theo các mục tiêu quản lý được đặt ra. Hiện nay, ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, thuế là nguồn thu chủ yếu và quan trọng nhất. Tỷ trọng các khoản thu từ thuế thường chiếm trên 80% tổng thu của ngân sách. Ở nước ta, nếu không tính các khoản thu từ dầu thô, nguồn thu từ thuế cũng thường chiếm trên 90% tổng các khoản thu của ngân sách nhà nước trong vòng một thập kỷ trở lại đây.

Điều tiết kinh tế vĩ mô

Chức năng điều tiết kinh tế của thuế được thực hiện thông qua việc quy định các hình thức thu thuế khác nhau, xác định đúng đắn đối tượng chịu thuế và đối tượng nộp thuế, xây dựng chính xác các mức thuế phải nộp có tính đến khả năng của người nộp thuế, sử dụng linh hoạt các ưu đãi và miễn, giảm thuế. Trên cơ sở đó, Nhà nước kích thích các hoạt động kinh tế đi vào quỹ đạo chung, phù hợp lợi ích của xã hội... Trong điều kiện cơ chế thị trường, khi sự can thiệp trực tiếp của nhà nước vào nền kinh tế ngày càng hạn  chế thì việc sử dụng công cụ thuế như một biện pháp điều chỉnh vĩ mô mang lại hiệu quả cao. Vai trò này xuất phát từ khả năng tái phân phối của cải làm thay đổi tương quan lực lượng vật chất của các đối tượng điều chỉnh trong nền kinh tế. Tác động điều chỉnh vĩ mô nền kinh tế có thể biểu hiện ở những khía cạnh sau:

Thứ nhất, thuế có thể được sử dụng như một công cụ nhạy bén góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định giá cả, kích thích đầu tư tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững.

Theo các lý thuyết kinh tế, lạm phát và tăng giá có thể xuất phát từ nguyên nhân cầu kéo hoặc chi phí đẩy. Trường hợp lạm phát do nguyên nhân cầu kéo làm giá cả tăng cao, nhà nước có thể dùng biện pháp điều chỉnh tăng thuế tiêu dùng làm giảm bớt áp lực tăng cầu giả tạo, trên cơ sở đó điều chỉnh lại cân bằng quan hệ cung cầu. Trường hợp ngược lại, nếu lạm phát nảy sinh từ nguyên nhân chi phí đẩy thì việc giảm thuế đối với các yếu tố đầu vào là cần thiết nhằm giảm nhẹ áp lực tăng chi phí và tạo điều kiện hạ giá bán sản phẩm, trên cơ sở đó lập lại quan hệ cung cầu, ổn định giá cả thị trường.

Cũng theo các lý thuyết kinh tế hiện đại, tự thân của nền kinh tế thị trường có xu hướng phát triển theo chu kỳ (hưng thịnh - suy thóai - tiêu điều - hồi phục) gây ra những cuộc tàn phá nặng nề sau mỗi chu kỳ phát triển. Thuế được coi là công cụ điều tiết nhạy cảm để hạn chế sự phát triển chu kỳ của nền kinh tế. Trong bối cảnh nền kinh tế phát triển quá nóng, Nhà nước có thể tăng thuế nhằm giảm bớt đầu tư tư nhân. Ngược lại, trong điều kiện nền kinh tế phát triển trì trệ, việc giảm thuế đầu tư sẽ góp phần kích thích đầu tư, kích cầu tiêu dùng làm cho kinh tế hồi phục nhanh hơn.

Cũng tương tự như vậy, việc áp dụng chính sách thuế phân biệt giữa các ngành, các lĩnh vực, các khu vực, các vùng lãnh thổ khác nhau có tác dụng phân bổ lại nguồn lực, tạo ưu thế tương đối cho những vùng, khuc vực ngành nghề cần ưu tiên phát triển nhằm duy trì hoặc lập lại trạng thái phát triển hài hòa, cân đối của toàn bộ nền kinh tế.

Thứ hai, thuế được coi là công cụ sắc bén để phân phối lại sản phẩm xã hội nhằm đạt mục tiêu công bằng xã hội.

Phát triển nền kinh tế thị trường chắc chắn sẽ nảy sinh những vấn đề xã hội cần có sự can thiệp của Nhà nước. Một trong những vấn đề đó là sự gia tăng khoảng cách giàu nghèo giữa các thành viên trong xã hội do những lợi thế khách quan hoặc hoàn cảnh bất lợi ngẫu nhiên mang lại. Xét cả từ góc độ kinh tế lẫn xã hội, sự chênh lệch thái quá về thu nhập giữa các thành viên trong xã hội cần phải được hạn chế. Tham gia vào quá trình này, thuế được coi là công cụ tái phân phối quan trọng, góp phần đảm bảo công bằng xã hội. Thuế có thể thực hiện được những mục tiêu công bằng này nếu nó bao quát được hầu hết đối tượng nộp thuế và phân biệt mức đóng góp thông qua các mức thuế suất  khác nhau, đặc biệt là thuế suất lũy tiến theo thu nhập.

Thứ ba, thuế còn được coi là công cụ sắc bén được sử dụng nhằm đạt mục tiêu bảo hộ sản xuất nội địa và duy trì, tăng cường khả năng cạnh tranh của nền kinh tế trong điều kiện hội nhập quốc tế.

Việc mở cửa nền kinh tế cũng đồng nghĩa với việc phải đối mặt với những rủi ro cạnh tranh khốc liệt từ bên ngoài. Vì vậy, bất cứ nước nào tham gia hội nhập đều phải thiết lập một hàng rào bảo hộ hợp lý và hợp pháp nhằm hạn chế hoặc giảm bớt xung động cạnh tranh bất lợi. Trong các công cụ bảo hộ (thuế và phi thuế) thì thuế quan được coi là hàng rào bảo hộ linh hoạt và hiệu quả nhất nhằm điều hòa áp lực cạnh tranh. Mức thuế cao đối với hàng nhập khẩu có tác dụng giảm bớt hoặc triệt tiêu lợi thế giá cả giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước. Ngược lại, mức thuế thấp hoặc bằng không đối với hàng nhập khẩu có tác dụng khuyến khích nhập khẩu những hàng hóa cần thiết bù đắp thiếu hụt cho nền kinh tế đồng thời gây áp lực cần thiết nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho những ngành hàng nội địa tương tự.

Khi nền kinh tế đã hội nhập sâu, các công cụ bảo hộ mới như thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và thuế đối kháng có thể được sử dụng bổ sung cho thuế quan trong việc bảo hộ nền sản xuất trong nước một cách hiệu quả.

Ở cấp độ cao hơn, hệ thống thuế hợp lý với mức thu vừa phải sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế thông qua việc kích thích xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư nước ngoài cho phát triển kinh tế.

Xem tiếp bài: Cách phân loại thuế

dịch vụ báo cáo tài chính